Dự án Việt Nam – Hàn quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Thứ ba, 17/12/2019
 

Để hỗ trợ nỗ lực loại bỏ vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, “Dự án hành động bom mìn Việt Nam - Hàn Quốc” đã được xây dựng và hình thành trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ Hàn Quốc và Chính phủ Việt Nam.

I. TỔNG QUAN DỰ ÁN

1. Tên dự án: Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

Dự án gồm các hợp phần: Khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn; Hỗ trợ nạn nhân bom mìn; Hỗ trợ hệ thống quản lý thông tin khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; Tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn; Quản lý, điều phối, theo dõi, giám sát và đánh giá dự án.

2. Mục tiêu của Dự án: Nâng cao năng lực cho VNMAC, hướng đến an sinh xã hội và phát triển kinh tế ở các địa phương nơi thực hiện dự án.

3. Tổng mức đầu tư: 20 triệu USD bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), dưới sự giám sát của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP).

4. Địa điểm thực hiện dự án:

- Tại thành phố Hà Nội: Trụ sở làm việc của Ban Quản lý dự án;

- Tại 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định: Triển khai các hoạt động khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn; hỗ trợ nạn nhân bom mìn; tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.

II. THỜI GIAN VÀ KHỐI LƯỢNG CÔNG VIỆC

1. Thời gian thực hiện dự án:

Thời gian thực hiện dự án từ 01/2018 đến hết 31/12/2020, thông qua 5 giai đoạn như sau:

- Giai đoạn khởi động: Từ 01/2018 - 03/08/2018;

- Giai đoạn thí điểm (9 tháng): Từ 15/8/2018 - 30/5/2019;

- Giai đoạn mở rộng (6 tháng): Từ 01/6/2019 - 30/11/2019;

- Giai đoạn duy trì (10 tháng): Từ 01/12/2019 - 30/9/2020;

- Giai đoạn kết thúc (3 tháng): Từ 01/10/2020 - 31/12/2020.

2. Khối lượng công việc

a) Thực hiện khảo sát kỹ thuật trên diện tích khoảng 16.632 ha tại một số địa phương của tỉnh Quảng Bình và Bình Định (Quảng Bình 6.553 ha, Bình Định 10.079 ha).

b) Tổ chức RPBM trên diện tích khoảng 6.000 ha được xác định là ô nhiễm BMVN sau kết quả khảo sát tại một số địa phương thuộc 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định (dự kiến Quảng Bình 2.000 ha, Bình Định 4.000 ha).

c) Cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về y tế, phục hồi chức năng cho khoảng 200 nạn nhân; đào tạo nghề phát triển kinh tế cho khoảng 500 nạn nhân bom mìn bị thương để tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng; hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho khoảng 50 gia đình nạn nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và hỗ trợ sửa chữa nhà cho khoảng 200 gia đình nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn.

d) Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn do BMVN cho nhân dân 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định.

đ) Thu thập thông tin về BMVN và các thông tin liên quan làm cơ sở cho xây dựng kế hoạch khắc phục hậu quả bom mìn (KPHQBM) sau chiến tranh; nâng cao năng lực quản lý, chất lượng, nội dung hoạt động của trang tin điện tử của Chương trình 504.

e) Thông qua thực hiện các hợp phần của dự án tại tỉnh Quảng Bình và Bình Định nhằm đánh giá tính hiệu quả của hệ thống quản lý, sự phối hợp điều hành hoạt động KPHQBM sau chiến tranh giữa Trung ương và địa phương.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Bộ Quốc phòng là cơ quan Chủ quản, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam là Chủ dự án theo văn kiện, để chỉ đạo và triển khai thực hiện dự án, thành lập:

a) Ban điều phối dự án

- Thành phần gồm đại diện của: Bộ Quốc phòng; KOICA; VNMAC và đại diện 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định;

- Nhiệm vụ: Quyết định các vấn đề quan trọng trong khuôn khổ dự án; định hướng xây dựng kế hoạch thực hiện dự án; quyết định những thay đổi trong tổ chức và điều hành của Ban QLDA chung; chỉ đạo triển khai dự án đảm bảo chất lượng và mục tiêu.

b) Ban Quản lý dự án chung

- Thành phần: Gồm nhân sự Ban QLDA của phía Việt Nam và nhân sự Ban QLDA của phía Hàn Quốc.

- Nhiệm vụ: Tổ chức quản lý, điều hành triển khai thực hiện dự án đạt được mục tiêu, tiến độ đề ra.

* Ban Quản lý dự án của phía Việt Nam

- Thành phần: Gồm Giám đốc, Phó Giám đốc điều hành và 05 phòng chức năng, mỗi phòng phụ trách một hợp phần;

- Nhiệm vụ: Chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, điều hành thực hiện dự án theo đúng mục tiêu, tiến độ, nội dung thể hiện trong Văn kiện dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

* Ban Quản lý dự án của phía KOICA

- Thành phần: Do KOICA xác định;

- Nhiệm vụ: Giúp việc cho Ban Điều phối điều hành các nội dung của dự án; lập kế hoạch chung, thống nhất trong Ban QLDA chung để triển khai; thực hiện kiểm tra, giám sát, đánh giá dự án, công bố kết quả.

IV. SỬ DỤNG LỰC LƯỢNG

a) Ban điều phối dự án: 10 người, gồm đại diện của cả 2 bên.

b) Ban Quản lý dự án chung: Gồm nhân sự Ban QLDA của phía Việt Nam và nhân sự Ban QLDA của phía Hàn Quốc. Ban QLDA chung gồm 5 phòng (gồm phòng QLDA và Tài chính và 04 phòng chức năng mỗi phòng phụ trách 01 hợp phần của dự án). Ban Quản lý dự án phía Việt Nam: 41 người

c) Văn phòng Chỉ huy công trường: Để thuận lợi trong tổ chức, điều hành thực hiện dự án tại thực địa, tại mỗi tỉnh sẽ thành lập 01 Văn phòng Chỉ huy công trường. Mỗi văn phòng Chỉ huy công trường gồm 09 người, với tổng số 18 người.

d) Đội Khảo sát kỹ thuật: Gồm 23 đội, biên chế mỗi đội 18 người, sử dụng lực lượng Công binh của các đơn vị trực thuộc BCCB.

e) Đội Rà phá bom mìn: Gồm 51 đội, biên chế mỗi đội 25 người, sử dụng lực lượng Công binh của các đơn vị trực thuộc BCCB.

Tại Quảng Bình:

- Đội Khảo sát Kỹ thuật: 01 đội Lữ đoàn 229, 01 đội Lữ đoàn 249, 01 đội Lữ đoàn 279, 01 đội Lữ đoàn 72, 02 đội Lữ đoàn 414/QK4, 02 đội TTBM/Binh đoàn 12.

- Đội Rà phá bom mìn: 02 đội Lữ đoàn 229, 02 đội Lữ đoàn 249, 01 đội Lữ đoàn 72, 05 đội Lữ đoàn 414/QK4, 05 đội Lữ đoàn 219/QĐ2, 04 đội Binh đoàn 12.

Tại Bình Định:

- Đội Khảo sát kỹ thuật: 01 đội Lữ đoàn 293, 02 đội Lữ đoàn 239, 01 đội Tiểu đoàn 93, 01 đội Trung tâm CNXL bom mìn, 01 đội Trường TCKT Công binh,

02 đội Lữ đoàn 299/QĐ1, 01 đội Lữ đoàn 550/QĐ4, 02 đội Lữ đoàn 513/QK3, 02 đội Lữ đoàn 219/QĐ2, 01 đội Lữ đoàn 575/QK1.

- Đội Rà phá bom mìn: 01 đội Lữ đoàn 279, 02 đội Lữ đoàn 543/QK2, 01 đội Lữ đoàn 239, 01 đội Lữ đoàn 293, 01 đội Lữ đoàn 513/QK3, 04 đội Lữ đoàn 219/QĐ2, 01 đội Lữ đoàn 575/QK1, 04 đội Lữ đoàn 7/QĐ3, 02 đội TTBM/QĐ3, 01 đội Trung tâm CNXL bom mìn, 01 đội Z756, 01 đội Lữ đoàn 270/QK5, 01 đội Lữ đoàn 280/QK5.

đ) Đội Thu gom, hủy bom mìn: Gồm 02 đội, biên chế mỗi đội 15 người, với tổng số 30 người; sử dụng lực lượng Công binh của Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình và Bộ CHQS tỉnh Bình Định địa bàn thực hiện dự án.