Kết quả 3 năm thực hiện dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Thứ năm, 10/09/2020

Sáng ngày 9/9/2020 vừa qua tại Hà Nội, Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP), Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) đã chính thức tổ chức cuộc họp đánh giá kết quả sau 3 năm thực hiện Dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam.

Kết quả 3 năm thực hiện dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh

Tham dự cuộc họp có ông Trần Trung Hoà Tổng Giám đốc VNMAC, ông Cho Han-Deog Giám đốc KOICA Việt Nam, bà Caitlin Wiesen Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam cùng đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện hai tỉnh thực hiện dự án Quảng Bình, Bình Định và các cơ quan đơn vị liên quan.

Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc Hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc KOICA dưới dự điều phối của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc UNDP cho hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định với kinh phí khoảng 20 triệu USD, nhằm mục tiêu khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh.

 

Đây là dự án nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan của hai nước Việt Nam, Hàn Quốc. Dự án đã hỗ trợ xác định khu vực ô nhiễm và loại bỏ bom mìn, vật liệu nổ nhằm đảm bảo an toàn cho người dân khi tiếp cận các công trình xã hội cơ bản như trạm y tế, trường học và đất sản xuất.

Dự án bao gồm 5 hợp phần: Quản lý thông tin; Khảo sát và rà phá; Giáo dục nguy cơ bom mìn; Hỗ trợ nạn nhân và Nâng cao năng lực cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh.

 

Tính đến tháng 6/2020, các hợp phần của dự án đã hoàn thành kế hoạch được đề ra. Trong đó kết quả đáng chú ý là dự án đã khảo sát hơn 16.880ha, diện tích rà phá hơn 5.194 ha. Cụ thể, năm 2018 dự án đã tập trung vào khảo sát với 21 đội, năm 2019: 21 đội khảo sát, 64 đội rà phá, năm 2020: hoạt động khảo sát kỹ thuật hoàn thành tháng 4/2020 và chuyển các đội KSKT tập trung cho rà phá tổng số đội rà phá là 85 đội.

Dự án cũng đã áp dụng lập thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn địa bàn triển khai công tác khảo sát, làm tiền đề cho công tác rà phá các khu vực khẳng định ô nhiễm trên các khu đất có ưu tiên cao hơn cho mục đích phát triển vì lợi ích cộng đồng nói chung. Chất lượng của các đội khảo sát và rà phá trên hiện trường không ngừng được cải thiện thông qua các đợt tập huấn chuyên môn về quy trình, cách sử dụng các trang thiết bị khảo sát, rà phá và công tác quản lý chất lượng.

 

Bên cạnh đó, hàng nghìn người dân tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định được tiếp cận thông tin giáo dục phòng tránh nguy cơ bom mìn. Dự án cũng đã thực hiện thí điểm hỗ trợ 2 nạn nhân bom mìn tại Quảng Bình lắp tay điện đồng thời hoàn tất việc đánh giá nhu cầu và việc lắp đặt thực hiện trong năm 2020. 6000 nạn nhân bom mìn và gia đình được tặng vật phẩm thiết yếu nhằm góp phần khắc phục tác động do đại dịch COVID-19 gây ra.

Ngoài ra, dự án cũng tiến hành đánh giá nhu cầu để xác định 220 nạn nhân bom mìn sẽ được hỗ trợ dụng cụ phục hồi chức năng. Lập bản đồ dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật và nạn nhân bom mìn là cơ sở cho việc xây dựng các hoạt động can thiệp hỗ trợ người khuyết tật và nạn nhân bom mìn, nâng cao chất lượng dịch vụ hỗ trợ tại Quảng Bình và Bình Định.K

 

Kết luận cuộc họp, đại diện VNMAC, KOICA và UNDP Việt Nam đánh giá rất cao tầm quan trọng của Dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh và thống nhất sẽ tiếp tục đẩy nhanh việc thực hiện các hợp phần của dự án trong thời gian tới, đồng thời tăng số lượng các đội rà phá tại hai tỉnh để đẩy nhanh tiến độ rà phá, bàn giao đất sạch đã được rà phá để hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Định sẽ được kéo dài thêm một năm và kết thúc vào cuối năm 2021.

Theo KVMAP

Hemera Media

Others