Hơn 40 nghìn người chết vì bom mìn sau chiến tranh

Thứ ba, 17/12/2019
 
Đây là con số được đưa ra tại buổi thông tin về tình hình ô nhiễm bom mìn và công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng tổ chức.
Hơn 40 nghìn người chết vì bom mìn sau chiến tranh

Theo con số thống kê, từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương, trong đó phần lớn là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm và có thể gây nổ khi bị tác động trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt, hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hoá học.

Nỗi đau chưa dứt

Theo số liệu của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam thì Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn và chịu hậu quả của bom mìn còn sót lại nặng nề nhất trên thế giới. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu hécta, chiếm 18,71% tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại 63/63 tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung.

Theo Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), chương trình Phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên hiệp quốc đã nhận định, khắc phục hậu quả bom mìn và hậu quả chiến tranh là mục tiêu lớn của cả thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn tại những vùng đất bị ô nhiễm, tập trung những địa bàn tỉnh, thành có diện tích ô nhiễm cao, như: Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang, đồng bằng sông Cửu Long…

Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, ở Việt Nam hiện nay vẫn còn những địa điểm ô nhiễm bom mìn rất nặng như xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình lên đến 98%. Lý do đây là vùng đất giáp biên giữa Việt Nam và Lào. Trong giai đoạn chiến tranh chống Mỹ, đây là nơi bị đánh phá ác liệt, dẫn đến ô nhiễm bom mìn vẫn đang bị ảnh hưởng rất lớn.

Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm, nhưng theo khảo sát của Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn (Bộ Tư lệnh Công binh), mỗi năm cả nước có khoảng 2 nghìn người chết do tai nạn bom mìn. Trong đó, tai nạn do đùa nghịch và không hiểu biết của trẻ em, gây nổ chiếm 38%.

Số vụ do người dân phát hiện bom mìn, vật nổ đem cưa, đục để lấy phế liệu, thuốc nổ chiếm 30%. Số vụ do cuốc, đập, giẫm... phải vật nổ gây ra chiếm 18%; nguyên nhân ngẫu nhiên chiếm 10%. Nạn nhân bom mìn dù may mắn thoát chết thì cũng trở thành người tàn phế, là gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Chánh Văn phòng Bộ LĐ- TB&XH Nguyễn Bá Hoan chia sẻ, cả nước có hơn 1 triệu người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (bao gồm cả nạn nhân bom mìn) được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế. Từ đó cho thấy, hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam hiện vẫn đang là vấn đề rất nhức nhối.

Ông Hoan cho biết thêm, hiện nay, 100% các xã, phường, thị trấn trong cả nước đã hoàn thành việc xác định, phân loại, xếp hạng và cấp thẻ cho người khuyết tật nặng, đặc biệt nặng và khuyết tật nhẹ. Tính đến nay, đã có gần 1,5 triệu người khuyết tật được cấp giấy xác nhận khuyết tật, trong đó có 1.012.923 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (bao gồm cả nạn nhân bom mìn).

Cần hàng trăm năm để làm sạch bom mìn

Theo Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng giám đốc VNMAC, với thực trạng ô nhiễm bom mìn hiện tại, Việt Nam cần hàng trăm năm để làm sạch hoàn toàn bom mìn.

Ở Việt Nam, những năm qua tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh Việt Nam, cần kinh phí hàng chục tỷ USD với thời gian kéo dài cả trăm năm, chưa kể hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, đảm bảo an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn.

Đề cập đến vấn đề hỗ trợ nạn nhân bom mìn, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) Tô Đức cho biết, thời gian qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn quan tâm đến việc triển khai cơ chế chính sách cho nạn nhân bom mìn, điển hình như: Luật Người khuyết tật; Nghị định số136/2013/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Quyết định 1019/QĐ-TTg phê duyệt Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 – 2020... Theo đó, nạn nhân bom mìn là đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ mai táng phí, hỗ trợ phục hồi chức năng…

Những trường hợp không được nuôi dưỡng, chăm sóc tại cộng đồng, gia đình, sẽ được nuôi dưỡng tại các cơ sở bảo trợ xã hội. Theo thống kê, cả nước hiện có 40 trung tâm công tác xã hội và 400 cơ sở bảo trợ xã hội phục hồi chức năng trong và ngoài công lập.

Tuy nhiên, ông Tô Đức cho biết, hiện công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn cũng đang gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân là do nạn nhân bom mìn thường sống ở vùng sâu, vùng xa; trong khi đó nguồn lực lại hạn chế; mạng lưới cung cấp dịch vụ vẫn chưa đảm bảo; nhân viên công tác xã hội ở các địa phương cũng còn nhiều hạn chế.

Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh thông tin tuyên truyền trong nước và quốc tế để tạo sự ủng hộ đóng góp vào công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam.

Tăng cường hợp tác với các nước, các tổ chức quốc tế, các nhà tài trợ, vận động thu hút tài trợ ODA, tài trợ không hoàn lại, tài trợ nhân đạo thực hiện mục tiêu “Vì một Việt Nam không còn bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh”.

“Trong năm 2018, Chính phủ Hàn Quốc đã hỗ trợ 20 triệu USD để VNMAC (cùng Bộ LĐ-TB&XH và các đơn vị liên quan) tiến hành khảo sát, xây dựng một đề án để nâng cao năng lực, hỗ trợ kĩ thuật, tập trung rà phá bom mìn ở một số tỉnh trọng điểm ô nhiễm bom mìn. 50 nhân viên VNMAC được tài trợ, huấn luyện về công tác rà phá bom mìn đạt chuẩn quốc tế… Hiện nay, song song với việc rà phá bom mìn, công tác trợ giúp xã hội thiết yếu cho nạn nhân bom mìn đang được triển khai”, Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.

Kết quả triển khai chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là một trong những nội dung của buổi họp báo quý I-2019 do Bộ Quốc phòng tổ chức sáng 3-4.

Để tạo cơ sở pháp lý về tổ chức, quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, ngày 21-4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Chương trình 504); đồng thời ban hành Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ngày 22-12-2010, với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước cũng như quốc tế, góp phần giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống, an sinh xã hội.

Ngày 4-3-2014, Trung tâm Hành động quốc gia bom mìn Việt Nam (VNMAC) được thành lập, có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất chính sách, xác định mục tiêu, xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn; là đầu mối chính thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tài trợ cấp quốc gia; nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; quản lý thông tin khắc phục hậu quả bom mìn; điều phối thực hiện các dự án, nhiệm vụ rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân… Việt Nam tập trung ưu tiên, điều phối, thực hiện các dự án khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn, trong đó có dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Bình và Bình Định bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) với tổng kinh phí 20 triệu USD...

Trong thời gian tới, ngoài việc hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2016-2020 và hoàn thành cơ bản kế hoạch Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh giai đoạn 2010-2025, sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về thực trạng và hậu quả của bom mìn cho người dân.

Việt Nam đồng thời sẽ tiếp tục xây dựng dự án, trình thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn khắc phục hậu quả chiến tranh tại 5 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Trị bằng nguồn vốn ODA tài trợ của các nước, tổ chức trong nước và quốc tế.

Theo Báo CAND

Others