Việt Nam không đơn độc trong hành trình khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh

Thứ bảy, 06/06/2020
Theo báo cáo mới nhất, Việt Nam vẫn còn trên 6,1 triệu héc-ta diện tích bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, chiếm 18,71% diện tích đất cả nước. 

Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã luôn nỗ lực để làm sạch các khu vực bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi cả nước. Năm 2018, kết quả công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh đã có những bước tiến vượt bậc. Ngoài những hoạt động thường xuyên như công tác rà phá, xử lý, làm sạch bom mìn, vật nổ, công tác tuyên truyền, giáo dục, công tác hỗ trợ nạn nhân... Việt Nam đã hoàn thành điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc và công bố số liệu vào tháng 4/2018; bên cạnh đó đã vận động thành lập, đưa vào hoạt động nhóm Đối tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (MAPG); hoàn chỉnh Nghị định về quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đây là những kết quả rất tích cực, góp phần củng cố thêm niềm tin đối với chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế trong việc đồng hành lâu dài với Việt Nam trong vấn đề khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh.

Kế hoạch rà phá bom mìn, vật nổ được thực hiện trên phạm vi toàn quốc, cả trên cạn và dưới nước. Theo Chương trình 504, sẽ tập trung nguồn lực rà phá tại những địa phương bị ô nhiễm nặng như các tỉnh miền Trung và các khu vực ưu tiên cho phát triển kinh tế, tái định cư.

Tuy vậy, thời gian trước đây công tác rà phá còn gặp một số khó khăn: Thứ nhất, nguồn lực bảo đảm cho thực hiện công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh còn hạn chế, chủ yếu vẫn là nguồn vốn của Chính phủ cấp; Thứ hai, trang thiết bị kỹ thuật, trình độ của nhân viên chuyên môn kỹ thuật rà phá bom mìn, vật nổ dưới nước còn yếu và rất thiếu; Thứ ba, công tác nghiên cứu về công nghệ, chế tạo trang thiết bị phục vụ nhiệm vụ rà phá bom mìn, vật nổ, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thực tế chưa theo kịp yêu cầu của Chương trình. Chính vì vậy, bên cạnh sự nỗ lực của chính phủ, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ từ các nước, các tổ chức quốc tế.

Những năm qua, với sự nỗ lực của các cơ quan chức năng trong công tác vận động tài trợ, Việt Nam đã huy động được nhiều nguồn viện trợ cả về kinh phí, trang thiết bị kỹ thuật và con người từ chính phủ các nước, các nhà tài trợ quốc tế, với tổng kinh phí lên tới hàng trăm triệu USD. Việt Nam luôn đánh giá cao và mong tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ của cộng đồng quốc tế giúp Việt Nam không đơn độc trong hành trình làm sạch bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.
Về kết quả hợp tác quốc tế, chính phủ

Mỹ đã chuyển giao cho Công binh Việt Nam các trang thiết bị rà phá bom mìn, vật nổ với tổng giá trị khoảng 10 triệu USD; chính phủ Nhật Bản đã tài trợ một số thiết bị máy cắt cây, phá mìn phục vụ dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh, trị giá gần 11 triệu USD. Từ năm 2004 đến 2009, Bộ Ngoại giao Mỹ hỗ trợ kinh phí để Quỹ cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVAF) phối hợp cùng Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn/Bộ Tư lệnh Công binh thực hiện đề án “Điều tra khảo sát đánh giá tác động của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh” tại 6 tỉnh miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và Quảng Ngãi.

Năm 2010, chính phủ Na Uy và Mỹ thông qua Quỹ viện trợ nhân dân Na Uy (NPA) đã tài trợ xây dựng cơ sở ban đầu cho Trung tâm dữ liệu bom mìn Việt Nam, trị giá gần nửa triệu USD. Ngoài ra, chính phủ các nước Anh, Bỉ, Ấn Độ đã tiếp nhận một số cán bộ của Việt Nam tham gia các khóa huấn luyện nâng cao năng lực về quản lý, điều hành hoạt động rà phá bom mìn, vật nổ.

Năm 2013, chính phủ Mỹ đã ký với Ban Chỉ đạo 701 bản ghi nhớ về hỗ trợ công tác khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ sau chiến tranh tại Việt Nam. Chính phủ các nước Anh, Na Uy, Thụy Sĩ, Đức đang xem xét các đề xuất hỗ trợ thực hiện Chương trình 504.

Từ năm 2004, UNICEF đã dành cho Việt Nam khoản tài trợ 5 triệu USD trong vòng 5 năm để giáo dục nhận thức bom mìn cho thiếu niên và nhi đồng tại Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng.

Năm 2018, chính phủ Hàn Quốc, thông qua tổ chức Hợp tác quốc tế Hàn Quốc - KOICA đã viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 20 triệu USD thực hiện dự án khắc phục hậu quả bom mìn tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định.

Từ năm 1990 đến nay, có gần 40 tổ chức phi chính phủ nước ngoài quan tâm hỗ trợ nhân đạo cho các hoạt động khắc phục bom mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam, như: khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm, rà phá bom mìn, vật nổ, hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, tái định cư, tuyên truyền giáo dục, với kinh phí hỗ trợ lên tới hàng trăm triệu USD.

Trên cơ sở Chương trình 504 được Chính phủ phê duyệt ngày 21/4/2010, công tác kiện toàn tổ chức, điều hành của Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và Chất độc hoá học sau chiến tranh (Ban chỉ đạo 701), đến nay, diện tích ô nhiễm ngày càng được thu hẹp, số nạn nhân tử vong và thương tật do bom mìn, vật nổ gây ra ngày một giảm dần, đặc biệt có địa phương bị ô nhiễm nặng như Quảng Trị, trong năm 2017 vừa qua đã không còn nạn nhân bị tử vong do bom mìn, vật nổ. Đây là thành quả cho sự nỗ lực của toàn bộ hệ thống chính trị với quyết tâm cao nhất, đồng thời cũng ghi nhận sự hỗ trợ hiệu quả từ chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế trong việc giúp Việt Nam đẩy nhanh, tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh.

Trong giai đoạn tới, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Quân đội, sự hỗ trợ của các bộ, ngành, địa phương cùng sự đồng lòng của nhân dân và sự hỗ trợ đắc lực từ chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, chúng ta tin tưởng rằng, thời gian để đất đai và người dân Việt Nam không còn bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh sẽ không còn xa.

Others