Tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong khắc phục hậu quả bom mìn và CĐHH sau chiến tranh ở Việt Nam

Thứ tư, 18/12/2019
 

Tiếp cận và tận dụng sáng tạo các mặt tích cực của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) để chủ động hợp tác, kết nối, phát huy trí tuệ nhân tạo - khoa học công nghệ, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế trong khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học (CĐHH) sau chiến tranh ở Việt Nam theo quyết định số 70/QĐ/TTg ngày 24/5/2017 của Thủ tướng Chính phủ là một hoạt động mang nội hàm đạo lý nhân văn cao cả, cộng đồng hãy cùng nhau khắc phục hậu quả CĐHH đối với môi trường và con người Việt Nam.

1. Vận dụng sáng tạo cuộc CMCN 4.0 để thực hiện chính sách của Đảng và Nhà nước trong khắc phục hậu quả bom mìn và CĐHH sau chiến tranh.

Cuộc CMCN 4.0 đã và đang có tác động mạnh mẽ đến mọi mặt trong đời sống, trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng. Có thể khẳng định, cuộc CMCN 4.0 đang phản ánh xu thế lớn của thời đại và sức mạnh của trí tuệ nhân tạo của mọi thành phần trong xã hội, được phát huy, được kết nối giữa các quốc gia trên toàn cầu, giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên, giữa các nền văn hóa đa màu, đa sắc tộc để tạo dựng nên một thế giới có nền hòa bình ổn định, bền vững, cùng phát triển. Đây chính là cơ hội thuận lợi cho mọi dân tộc trên thế giới gần nhau hơn, hiểu nhau hơn, tôn trọng lẫn nhau để cùng hội nhập, cùng phát triển, để chia sẻ lẫn nhau những mất mát, những nỗi đau do các xung đột sắc tộc, do chiến tranh, đặc biệt chiến tranh hủy diệt sinh thái bằng bom mìn, vũ khí sinh học, CĐHH đã từng xảy ra trên đất nước Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Chính vì vậy, tại diễn đàn kinh tế thế giới ở Davos klosters (Thụy Sĩ) tháng 1/2019 với chủ đề toàn cầu hóa thời đại CMCN 4.0, đã xác định mô hình hòa bình mới, bền vững và toàn diện, trong đó cần quan tâm đến các đối tượng bị bỏ lại bên lề, những người dễ bị tổn thương, bị thiệt thòi,v.v.
Ý thức được tầm quan trọng và ý nghĩa của cuộc CMCN 4.0 trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng đối với Việt Nam, ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 nhằm chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa lợi thế, đồng thời đánh giá dự báo cho được các tác động tiêu cực của cuộc CMCN 4.0 đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường ở Việt Nam.

Nhằm thực hiện Chỉ thị số 43/CT-TW ngày 14/5/2015 của Ban Bí thư Trung ương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giải quyết hậu quả CĐHH do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm Trưởng ban (QĐ số 701, ngày 24/5/2017).

Trong bài phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại phiên thảo luận cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 73 ngày 27/9/2018 tại New York (Hoa Kỳ) đã đề cập đến vấn đề hòa bình, tự do và thịnh vượng luôn là mong mỏi, khát vọng của mọi dân tộc trong thời đại CMCN 4.0, trong đó có nhân dân Việt Nam.

Để trực tiếp quản lý, giúp đỡ nạn nhân CĐDC, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam đã được thành lập tháng 1/2004, cùng với việc hình thành các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Nhà nước: Chương trình 10-80 do Bộ Y tế chủ trì, Chương trình 33 do Bộ KH&CN, Bộ TN&MT chủ trì,v.v. Chương trình 701 do Bộ Quốc phòng chủ trì… Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước ta đối với môi trường tự nhiên, môi trường xã hội, đặc biệt đối với nạn nhân CĐDC Việt Nam.

2. Tác hại của bom mìn và chất độc hóa học/dioxin đối với môi trường và con người Việt Nam.

2.1. Tính chất đặc thù của CĐHH/dioxin do Mỹ rải ở Việt Nam trong thời chiến tranh (1961-1971) của thế kỷ XX:

- Một là, độc tính cao gấp hàng triệu lần so với chất độc thông thường.

- Hai là, tính bí mật để cất giấu, dễ vận chuyển đi xa.

- Ba là, với khối lượng không cần nhiều, nhưng khả năng di chuyển lan truyền rộng rãi nhờ gió, mưa, nước các suối, sông.

- Bốn là, tồn lưu lâu trong trầm tích, đất bùn...

- Năm là, gây tác hại nghiêm trọng đối với thảm thực vật rừng, hệ sinh thái tự nhiên và nhân tạo, với động thực vật, với sức khỏe con người.

2.2. Trên thế giới hầu như chưa có một quốc gia nào bị rải CĐHH nhiều và nghiêm trọng như ở Việt Nam. Chính vì vậy, các tư liệu khoa học nghiên cứu về ảnh hưởng của nó đối với môi trường và sức khỏe của con người còn rất ít.
Để tìm hiểu ảnh hưởng của CĐHH nhằm có biện pháp đề phòng ngăn chặn, các nhà khoa học đã tiến hành rất nhiều công trình nghiên cứu. Thí dụ: Công trình nghiên cứu của Howard. G.S et all 1998 thí nghiệm trên loài chuột cho thấy chất dioxin đã gây ra sự oxi hóa các bazo ni tơ trong thành phần axit nucleic chuyển đổi Guanosin thành 8 - hydroxydi oxyguanosin và quá trình sửa chữa phân tử sau đó có thể dẫn đến sai lệch ở các vị trí của bazo này trong gen, đây có thể chính là một trong những cơ chế quan trọng gây ra những thay đổi gen biến dị di truyền cho các thế hệ sau ở cơ thể sinh vật. Tác giả người Đức - ông Paepke Q, 2002 đã nghiên cứu sự ô nhiễm dioxin từ trầm tích, đất di chuyển tới cơ thể con người; tác giả John GieSy, trường Đại học Mychigan Hoa Kỳ năm 2002 đã nghiên cứu sự tồn lưu dioxin trong cơ thể cá và động vật hoang dã ở các hồ lớn vùng Bắc Mỹ,v.v.

Ở Việt Nam, việc nghiên cứu ảnh hưởng của CĐHH đối với môi trường và sức khỏe con người chỉ được tiến hành sau Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Chính phủ đã quyết định thành lập các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ quốc gia: Chương trình 10.80, Chương trình 33, Chương trình 701 cùng với sự hợp tác nghiên cứu với các tổ chức quốc tế như: Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô trước đây, nay là LB Nga (Trung tâm nhiệt đới Việt- Nga), Công ty tư vấn Haffield (Canada),v.v.
Thông qua các công trình nghiên cứu, các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế đều khẳng định: CĐHH do Mỹ rải trong chiến tranh ở Việt Nam (từ 1961 đến 1971) đã gây ra hậu quả nghiêm trọng cho môi trường rừng, đa dạng sinh học và sức khỏe của con người. Trong biên bản của Hội nghị khoa học Việt- Mỹ tại Hà Nội năm 2002 do Bộ KHCN&MT Việt Nam phối hợp với Cục Môi trường Mỹ tổ chức đánh giá về tác hại của CĐHH đối với môi trường và nạn nhân CĐDC Việt Nam, đã ghi nhận và đề xuất cần ưu tiên nghiên cứu về mức độ tồn lưu và mức độ lan truyền dioxin qua đất, xâm nhập vào môi trường nước, đất và bùn bị nhiễm là nguồn phơi nhiễm trực tiếp, gián tiếp đối với con người và các loài động vật hoang dã ở Việt Nam.

3. Đề xuất các giải pháp khắc phục hậu quả CĐHH trong thời đại CMCN 4.0.

3.1. Về chính sách: Đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương cần thực hiện nghiêm túc, trách nhiệm với các quyết định và chỉ thị của Ban Bí thư, của Chính phủ về kế hoạch hành động quốc gia khắc phục cơ bản hậu quả CĐHH sau chiến tranh ở Việt Nam; cần rà soát để 100% nạn nhân CĐDC được tiếp cận, được thụ hưởng đầy đủ các chính sách của Đảng, Nhà nước, không một ai bị bỏ sót, bị thiệt thòi do sự chậm trễ hoặc chưa quan tâm đúng mức của cán bộ tiến hành điều tra, giải quyết, xác định bệnh tật đặc thù do CĐHH gây ra.

3.2. Tăng cường các trang thiết bị và năng lực cho văn phòng Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin và các tỉnh thành có điều kiện ứng dụng công nghệ thông tin kỹ thuật số, để xây dựng cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh, khoa học, tin cậy về số lượng, các đặc điểm về tình hình diễn biến bệnh tật của nạn nhân CĐDC, nhằm đáp ứng kịp thời các nhu cầu chính đáng của họ trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng trầm trọng.

3.3. Đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Lao động-TBXH, Bộ KH&CN, Bộ Ngoại giao… và các sở, ban ngành địa phương xem xét việc đầu tư, giúp đỡ cho Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin - hội mang tính đặc thù, được Chính phủ quy định để tạo điều kiện cho mọi hoạt động đối nội, đối ngoại có liên quan đến vấn đề khắc phục hậu quả CĐHH sau chiến tranh ở Việt Nam.

3.4. Về khoa học và công nghệ: phát huy lợi thế cuộc CMCN 4.0 trong áp dụng công nghệ sinh học, công nghệ giải trình bộ gen, kích hoạt, chỉnh sửa gen, nghiên cứu cách thức mà các biến dị gen gây ra các bệnh lý đặc thù ở nạn nhân CĐDC.

- Nghiên cứu công nghệ nano có khả năng kiểm soát, loại bỏ thành phần các chất độc, hoặc có thể tẩy rửa làm giảm các chất độc trong cơ thể nạn nhân.

- Cần có một chương trình nghiên cứu chắt lọc, sử dụng các nguồn dược liệu trong tự nhiên, trong môi trường, trong công tác chữa và hồi phục sức khỏe cho nạn nhân CĐDC thông qua các tri thức bản địa của các lương y đang hiện hữu ở các vùng miền của đất nước.

- Xây dựng một chương trình tuyên truyền bài bản với các cơ quan thông tin đại chúng cả trong nước và nước ngoài, nhằm tạo dựng sự kết nối, lan tỏa sự cảm thông với những khó khăn nghiệt ngã của các nạn nhân CĐDC Việt Nam, động viên mọi nguồn lực giúp đỡ nạn nhân CĐDC Việt Nam.

- Ban chỉ đạo Chương trình 701 và Ban lãnh đạo Trung ương Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin Việt Nam cần tiếp cận cuộc CMCN 4.0 một cách sáng tạo, phù hợp để thực hiện tốt, hiệu quả thiết thực chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ trong việc khắc phục hậu quả CĐHH sau chiến tranh ở Việt Nam.

Điều không kém phần quan trọng là tiếp tục hoàn thiện bộ hồ sơ đầy đủ, khoa học, đảm bảo tính pháp lý để tiếp tục đấu tranh đòi công lý cho nạn nhân CĐDC Việt Nam, nhằm đáp lại lòng mong đợi của toàn thể xã hội cũng như hàng triệu nạn nhân CĐDC Việt Nam.

Theo Điện tử da cam

Others