Bình Định: bà con vùng trũng kịp thời được chuyển đến khu vực an toàn hơn trước mùa lụt bão

Thứ ba, 27/10/2020
 
Bình Định: bà con vùng trũng kịp thời được chuyển đến khu vực an toàn hơn trước mùa lụt bão

Bình Định, tháng 10 năm 2020 - Trước mùa lũ năm nay, bà con ở vùng đất thấp dễ lụt lội được chuyển đến vùng đất cao hơn và không còn ô nhiễm bom mìn ở xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát tỉnh Bình Định.

Ba tháng trước, bà Nguyễn Thị Sen được cấp đất và hỗ trợ tiền xây nhà. Bà vừa xây xong nhà và kịp chuyển đến cùng với các con trước mùa lụt bão. Bà Sen cho biết: "Trước tôi ở miền đồng lụt trũng, cứ đến mùa lụt, nước vào nhà, tôi phải kê đồ đạc lên cao, rồi dắt ba đứa con và con bò đến ở nhờ nhà họ hàng ở vùng cao hơn. Thường phải mất một tháng, nước rút mới dám quay về. Năm nay, tôi không còn phải lo lắng khi mùa lụt tới nữa".

Gia đình bà Sen nằm trong số 29 hộ gia đình được chuyển từ vùng đất trũng dễ lụt lội đến vùng đất mới an toàn này. Mỗi gia đình được Chính quyền  cấp hơn 200 mét vuông và 20 triệu đồng để xây nhà, kịp thời hoàn thành và chuyển đến trước khi mùa lụt năm nay bắt đầu.

Người dân phấn khởi khi được nhận đất và hỗ trợ tiền xây nhà 

Vùng đất an toàn này nằm trong số 9.000 hecta đất đã được khảo sát kỹ thuật - rà phá tại tỉnh Bình Định trong khuôn khổ dự án Việt Nam- Hàn quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Tháng 10 năm 2020, Lãnh đạo Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) chính thức bàn giao bản đồ và tài liệu liên quan đến diện tích đất sau khảo sát kỹ thuật - rà phá bom mìn cho tỉnh để phục vụ cho hoạt động phát triển kinh tế xã hội.

Tại lễ bàn giao, ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia KOICA, và Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú của UNDP, đánh gia cao nỗ lực của các đội khảo sát kỹ thuật và rà phá, đã hoàn thành công việc một cách an toàn, chất lượng cao và theo đúng kế hoạch, mặc dù gặp nhiều khó khăn và thách thức do dịch COVID-19 và điều kiện thời tiết khắc nghiệt.

“Tôi rất xúc động khi trao cho tỉnh tài liệu về 9.000 hec-ta đất đã được khảo sát và rà phá ở Bình Định, một trong những tỉnh bị ô nhiễm bom mìn nặng nề nhất ở Việt Nam," bà Caitlin Wiesen nói. "UNDP rất vinh dự hợp tác với VNMAC và KOICA tiếp tục dự án Việt Nam-Hàn quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, nhằm trao đất không còn ô nhiễm cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội của người dân ở địa phương”.

Đại diện thường trú của UNDP Caitlin Wiesen tại buổi lễ

Bàn giao bản đồ tỉnh Bình Định có đánh dấu diện tích đất sau khảo sát kỹ thuật- rà phá bom mìn, ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia KOICA tại Việt Nam, nhấn mạnh: “Bản đồ này là kết quả của nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả các bên trong suốt hai năm qua. Mục đích cuối cùng của dự án không chỉ là xử lý làm sạch đất khỏi bị ô nhiễm bom mìn. Đất sạch và an toàn là khởi đầu của quá trình phát triển. Vì vậy, các ưu tiên rà phát bom mìn phải nằm trong kế hoạch phát triển rộng hơn. Và chúng tôi mong rằng đất sau khảo sát kỹ thuật - rà phá bom mìn vừa được bàn giao cho tỉnh sẽ được ưu tiên sử dụng cho phát triển kinh tế xã hội".

Giám đốc quốc gia KOICA Cho Han-Deog tại buổi lễ

Hơn bốn thập kỷ sau chiến tranh, tỉnh Bình Định vẫn còn hơn 40% (gần 250,000 hecta) diện tích đất ô nhiễm bởi bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Bắt đầu triển khai từ năm 2018, dự án “Việt Nam - Hàn Quốc Hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ thông qua KOICA dưới sự điều phối của UNDP cho hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định nhằm mục tiêu khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh, đảm bảo an toàn cho người dân khi tiếp cận các công trình xã hội cơ bản như trạm y tế, trường học và đất sản xuất.

Bà Nguyễn Thị Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định, cho biết: “Sau khi dự án được triển khai đã mang đến cho địa phương một diện tích đất sạch rất lớn, phục vụ cho địa phương, cho bà con nhân dân phát triển sản xuất. Đặc biệt là phục vụ cho xây dựng các công trình hạ tầng xã hội như trạm y tế và trường học”.

Với kinh phí 20 triệu USD do Chính phủ Hàn quốc tài trợ, thông qua KOICA, dự án được thực hiện bởi VNMAC và UNDP. Đến nay, dự án đã khảo sát được 17.000 héc ta và rà phá 5.200 héc ta đất ô nhiễm bom mìn, trao lại đất cho các dự án phát triển. Trong khi đó, một cơ sở dữ liệu lớn về 31,003 người khuyết tật, bao gồm 4,579 nạn nhân bom mìn đã được thiết lập; gói hỗ trợ thiết yếu phòng chống COVID-19 được trao cho 6.000 nạn nhân bom mìn và gia đình của họ; gần 150.000 học sinh và người dân được giáo dục nâng cao nhận thức về nguy cơ bom mìn.

Others