Bình Định là một trong những tỉnh bị ô nhiễm cao nhất ở Việt Nam

Thứ bảy, 06/06/2020
Kết quả khảo sát cho thấy diện tích nghi ô nhiễm cần được rà phá lên tới 246.843 ha, chiếm 40,96% diện tích tự nhiên (602.580 ha) toàn tỉnh. 

Kết thúc chiến tranh, Việt Nam được xếp vào một trong những nước có tình trạng ô nhiễm bom, mìn nặng nề nhất trên thế giới. Theo thống kê, chỉ tính riêng số bom, mìn, vật nổ từ năm 1945 đến 1975 được sử dụng ở Việt Nam nhiều gấp 4 lần so với Chiến tranh thế giới thứ hai.

Theo báo cáo hiện trạng tồn lưu, ô nhiễm bom, mìn, vật nổ sau chiến tranh ở Việt Nam (Giai đoạn I) tất cả 63/63 tỉnh thành phố trên toàn quốc đều bị ô nhiễm vật nổ sau chiến tranh, diện tích đất đai bị ô nhiễm là hơn 6,1 triệu ha, chiếm 18,71% diện tích cả nước. Số bom, mìn, vật nổ chưa nổ luôn là mối nguy hiểm tiềm tàng, ảnh hưởng không nhỏ tới phát triển kinh tế, xã hội, con người và môi trường.

Tính từ khi kết thúc chiến tranh (4/1975) đến thời điểm thực hiện báo cáo điều tra nêu trên (2014), cả nước có 46.191 người bị thương vong do BM, VLCN, trong đó 23.775 người chết và 22.416 người bị thương. Kết quả điều tra cho thấy việc tìm kiếm phế liệu và chơi/đùa nghịch là hai nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn BM, VLCN (chiếm tỷ lệ 31,19% và 27,55%). Tiếp đến là hoạt động trồng trọt, chăn nuôi cũng là nguyên nhân của 20,34% số vụ tai nạn.

Trong số 27,55% nạn nhân bị tai nạn do BM, VLCN gây ra khi đang chơi, đùa nghịch, nạn nhân là trẻ em chiếm đa số. Với bản tính hiếu động và còn thiếu hiểu biết, các em thường đùa nghịch, di chuyển, quăng, ném bom bi, đầu đạn, dẫn đến gây nổ. Nguyên nhân dẫn tới tai nạn là do thiếu hiểu biết và không được cảnh báo, tuyên truyền có hiệu quả về những nơi còn nhiều BM, VLCN.

Others