Cuộc sống hồi sinh trên mảnh đất từng ô nhiễm bom mìn

Thứ tư, 27/05/2020

Nằm trong chương trình của dự án KV-MAP trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, ngày 26/5/2020, đoàn cấp cao gồm đại diện của UNDP, KOICA, VNMAC và chính quyền địa phương đã đến thăm trang trại của vợ chồng anh Trương Thanh Bình và chị Đinh Thị Hoài Thu tại xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Đây là khu vực từng bị ô nhiễm bom mìn đã được xử lý.

 

Chiến tranh đã qua đi, nhưng bom mìn, vật nổ vẫn còn sót lại nhiều nơi tại Quảng Bình, kéo theo nỗi lo lắng về sự an toàn tính mạng của người dân. Như tại xã An Ninh, huyện Quảng Ninh, trước đây nhiều hộ gia đình không dám mở rộng hoạt động chăn nuôi, sản xuất vì không có đất sạch, an toàn. Kinh tế eo hẹp, diện tích sử dụng hạn chế khiến nhiều hộ gia đình bất đắc dĩ lâm vào cảnh rất khó khăn.

Tại xã An Ninh, huyện Quảng Ninh sau khi Dự án KV-MAP được triển khai, các cán bộ của dự án đã rất nỗ lực trong việc xử lý ô nhiễm bom mìn trong khu vực giúp người dân ổn định cuộc sống.

Đoàn cấp cao đến thăm hộ gia đình anh Bình và chị Thu.  

Vợ chồng anh Bình chị Thu cho biết, trước đây hai vợ chồng anh chị đã dành dụm tiền xây trang trại gà gần nhà để chăn nuôi với mong muốn cuộc sống được khấm khá hơn. Tuy nhiên họ không thể mở rộng thêm diện tích đất chăn nuôi vì lo sợ vấn đề bom mìn còn sót lại quanh khu vực. Chính vì thế anh Bình cũng chỉ có thể xây một trại gà nhỏ ngay sát nhà để đảm bảo an toàn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của vợ chồng anh vì vấn đề mùi gia cầm phát ra rất khó chịu.


Bên cạnh đó là nỗi ám ảnh về nguy cơ tai nạn bom mìn luôn rình rập, đeo bám cho đến khi được sự hỗ trợ từ dự án KV-MAP, giúp các nạn nhân và hộ gia đình tại xã An Ninh có thể sử dụng đất đai an toàn, cải thiện diện tích để thực hiện các kế hoạch chăn nuôi.

Đoàn cấp cao gồm đại diện UNDP, KOICA và VNMAC rất ấn tượng trước những đổi thay trong cuộc sống của người dân địa phương.

Từ khi được hỗ trợ từ dự án KV-MAP, anh Bình và chị Thu đã có thêm một phần diện tích để thực hiện kế hoạch chăn nuôi tốt hơn. Trước kia quy mô chăn nuôi của hộ gia đình anh Bình khá nhỏ, cố gắng lắm cũng chỉ đạt mức dưới 1.000 con. Nhưng từ cuối năm 2019 đến nay, trang trại này đã tăng quy mô lên gấp 5 lần, đạt mức trung bình 5.000 – 6.000 con. Quan trọng hơn, giờ đây anh Bình cùng gia đình đã rất yên tâm sinh sống và làm việc, không còn nỗi lo cho sự an nguy tính mạng có thể xảy ra bất kì lúc nào.

Trang trại gà của gia đình anh Bình đã được mở rộng sau khi công tác rà phá bom mìn hoàn thành. 

Bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú UNDP Việt Nam cho biết: “Tôi rất mừng khi dự án KV-MAP đã giúp xử lý các vùng đất bị ô nhiễm bom mìn, trả lại đất an toàn cho người dân Quảng Bình. Người dân có thể tiến hành các hoạt động sản xuất để phát triển kinh tế, giúp tạo ra nguồn lực nuôi sống gia đình, để dành cho con cái đi học, dần dần gia tăng chất lượng cuộc sống. Chúng tôi có thể đánh giá được vai trò vô cùng quan trọng của công tác rà phá bom mìn đối với sự phát triển kinh tế bền vững. Hy vọng chương trình sẽ góp phần mang đến cho người dân khó khăn đã và đang chịu ảnh hưởng bởi chiến tranh một cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Trang trại gà của gia đình anh Bình và chị Thu là một trong những điểm nhấn cùng nhiều hộ gia đình khác mới chỉ là kết quả bước đầu của dự án. UNDP sẽ tiếp tục xem xét sự phát triển của khu vực này trong tương lai để có được cái nhìn và đánh giá đầy đủ hơn về hiệu quả và lợi ích mà dự án KV-MAP mang lại.

Dự án Việt Nam - Hàn Quốc Hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh là Dự án có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Mục tiêu của Dự án nhằm tăng cường quản trị và quản lý các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn ở cấp quốc gia và giảm thiểu tai nạn trong tương lai bằng cách nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về nguy cơ tiềm ẩn từ bom mìn vật nổ.

Tại Quảng Bình, đến nay Dự án đã khảo sát 6.000ha và giải phóng hơn 2.000ha đất bị ô nhiễm, góp phần quan trọng hỗ trợ chính quyền và nhân dân trên địa bàn phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Others