Giám đốc Quốc gia KOICA Việt Nam thăm nạn nhân bom mìn được lắp cánh tay điện

Thứ sáu, 29/05/2020

Trong chuyến thăm cấp cao vào ngày 25 - 26/5/2020 tại Quảng Bình, đại diện KOICA, UNDP, VNMAC đã phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình tới thăm hỏi, động viên và tặng quà các nạn nhân bom mìn tại xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình.

 

Dẫn đầu đoàn cấp cao là ông Cho Han-Deog – Giám đốc Quốc gia Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam, bà Caitlin Wiesen – Đại diện trường trú Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, ông Giang Công Báu – Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) và lãnh đạo địa phương.

Đoàn cấp cao đến thăm anh Trần Đình Thêu tại nhà riêng. 

Sau chương trình trao quà tượng trưng cho lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình cho 14 nạn nhân bom mìn bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 tại UBND xã Quảng Sơn, đoàn đã tới thăm anh Trần Đình Thêu, sinh năm 1969, hiện trú tại thôn Trung Thượng, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Anh Thêu là một trong những trường hợp có hoàn cảnh khó khăn của địa phương và là một nạn nhân đã mất một phần cơ thể vì tai nạn bom mìn.

Trước đó, anh Thêu là một ngư dân và là lao động chủ lực của gia đình. Tháng 8/2012, trong một lần đi đánh cá, anh Thêu vô tình tiếp xúc với một quả bom phát nổ. Vụ tai nạn đã khiến anh mất đi một cánh tay trái và một mắt trái.  Từ đó, cuộc sống của anh và gia đình trở nên vất vả hơn trước rất nhiều.

Tới tháng 3/2020, với sự hỗ trợ của Dự án Việt Nam- Hàn Quốc Hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (KVMAP), anh Thêu đã được lắp một cánh tay điện chức năng. Cánh tay điện này có 2 chức năng nắm mở thiết yếu như cầm nắm, và kẹp các vật thể nhỏ giúp người sử dụng có thể thực hiện các thao tác sinh hoạt hàng ngày dễ dàng hơn.

Ông Cho Han-Deog (áo xanh) – Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam.

Chia sẻ với đoàn cấp cao, anh Thêu cho biết, từ khi được lắp cánh tay điện chức năng, cuộc sống của anh đã bớt vất vả hơn trước. Trong lao động, nhiều công việc đòi hỏi phải sử dụng cả hai tay để đạt được hiệu quả và cánh tay điện này đã giúp anh làm được điều đó. Tuy nhiên phần điện tử của cánh tay không có tính năng kháng nước, do đó anh Thêu phải bảo quản kỹ càng, không để hỏng hóc trong quá trình sử dụng.

Gặp gỡ các đại diện của KOICA, UNDP và VNMAC, anh Thêu bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với đoàn làm việc. Anh nhấn mạnh sẵn sàng hợp tác cùng với chương trình và chia sẻ kinh nghiệm sử dụng cánh tay giả với các nạn nhân khác. Mong muốn lớn nhất của anh Thêu hiện tại là được hỗ trợ sinh kế như vật nuôi để có thể cùng với những thành viên khác trong cộng đồng phát triển kinh kế tăng thu nhập và ổn định cuộc sống.

Với cánh tay điện chức năng mới được hỗ trợ, cuộc sống của anh Thêu đã thay đổi rất nhiều. 

Sau khi trò chuyện cùng anh Thêu, ông Cho Han-Deog chia sẻ: “Tôi thấy các nạn nhân bom mìn thường có cuộc sống khó khăn. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi được giúp đỡ họ thông qua Dự án này. Qua trực tiếp gặp gỡ và hỏi thăm họ, tôi thấy Dự án đã hoạt động rất hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của các nạn nhân bom mìn. Điều mà tôi hy vọng nhất đó là trong tương lai sẽ không có thêm bất kỳ một nạn nhân bom mìn nào nữa”.

Đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình, ông Trịnh Đình Dương - Phó Giám đốc Sở chia sẻ: “Quảng Bình là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất cả nước sau chiến tranh. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh, có tới hơn 4.000 nạn nhân bom mìn. Dự án Việt Nam – Hàn Quốc khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã giúp đỡ địa phương rất nhiều, đặc biệt là trong công tác hỗ trợ các nạn nhân và trong công tác rà phá bom mìn còn sót lại. Nhờ dự án, một phần các nạn nhân bom mìn có được cuộc sống chất lượng hơn và cộng đồng địa phương có được diện tích đất sạch, không ô nhiễm bom mìn để yên tâm sinh sống và canh tác”.


Others