Liệu Việt Nam có thể làm sạch mìn và các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh vào năm 2030?

Thứ bảy, 04/04/2020
Chiến tranh đã xảy ra ở Việt Nam từ nhiều thập kỷ trước, nhưng đến nay những hậu quả nặng nề từ bom mìn, vật nổ còn sót lại trên khắp các thôn bản vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến cuộc sống người dân nơi đây.  

Mặc dù Việt Nam và các quốc gia khác trên thế giới đang cùng trong trận chiến với đại dịch vi-rút Corona, nhưng sau khi chiến thắng đại dịch này, chúng ta lại có thể một lần nữa dồn lực hướng tới một mục tiêu đầy tham vọng đó là đến năm 2030 loại bỏ đáng kể tác động của bom mìn vật nổ còn sót lại sau chiến tranh đến người dân và chấm dứt thương vong dân sự gây ra bởi loại vật nổ này.

 

Học sinh trường tiểu học Võ Ninh - tỉnh Quảng Bình trả lời các câu hỏi về giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn - ảnh từ nguồn UNDP. 

Ngày 22 tháng 1 năm 2020, đồng thời cũng là năm kỷ niệm 75 năm thành lập tổ chức, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc đã nêu ra trong Cuộc họp Đại Hội đồng một loạt các ưu tiên cho cả năm, cũng như cho giai đoạn 10 năm tới, như là một phần của Chương trình Thập kỷ Hành động. Đây là lời kêu gọi mạnh mẽ từ Liên Hợp Quốc đối với tất cả các thành phần của xã hội,  cả trên toàn cầu và địa phương để cùng chung tay hành động nhằm đạt được 17 Mục tiêu Phát triển Bền vững trước hạn chót vào năm 2030.

Hôm nay, ngày 4/4,  Liên Hợp Quốc và các quốc gia thành viên cùng kỷ niệm Ngày Quốc tế Nhận thức Bom mìn và Hỗ trợ hành động bom mìn, ngày để tưởng nhớ hàng ngàn người trên thế giới, trong đó có cả những người Việt Nam đã từng bị thương hoặc thiệt mạng do các loại vũ khí còn sót lại rất nhiều trong các cuộc chiến tranh và xung đột. Đây cũng là ngày để tưởng nhớ về những con người dũng cảm, cả nam và nữ, đã làm việc không mệt mỏi trên khắp mọi miền đất nước để làm sạch di chứng gây chết người còn sót lại sau chiến tranh. Với tinh thần đó, chiến dịch năm 2020 kêu gọi tất cả chúng ta cùng chung tay nhằm đạt được các mục tiêu đầy tham vọng với chủ đề chung: Chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh: Đem lại cuộc sống an toàn. Như Tổng Thư ký đã từng phát biểu,  “Một thế giới không còn bom mìn vật nổ là điều có thể”.

Với tư cách là đại diện của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, chúng tôi sẽ phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam để hưởng ứng những lời kêu gọi hành động này. Chúng tôi đã hợp tác với Chính phủ trong tiến trình hướng tới các Mục tiêu Phát triển bền vững ở Việt Nam, và cách đây hai năm, KOICA và UNDP đã cùng hợp tác chặt chẽ với Bộ Quốc phòng trong công tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh. Thông qua dự án “Việt Nam - Hàn Quốc Hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh”, chúng tôi đã triển khai tất cả các nội dung chính trong lĩnh vực hành động bom mìn, đó là khảo sát và rà phá để giải phóng đất đai; giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn để giảm thương vong mới; điều chỉnh các hỗ trợ đối với nạn nhân còn sống sau tai nạn; quản lý dữ liệu và hỗ trợ Chính phủ trong hoạch định chính sách và tăng cường năng lực.

Ông Han-Deog Cho and Bà Caitlin Wiesen. 

Nỗ lực phối hợp này đã đạt được nhiều thành tựu, bao gồm hoàn thành khảo sát hơn 15.000 héc-ta và rà phá 3.000 héc-ta đất bị ô nhiễm ở Quảng Bình & Bình Định, cung cấp thêm đất cho các dự án phát triển ở hai tỉnh. Đồng thời Dự án cũng đã xây dựng một cơ sở dữ liệu của 75.000 người khuyết tật, trong đó 9.100  nạn nhân của bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Thêm vào đó, gần 80.000 học sinh cùng với người dân địa phương đã được nâng cao nhận thức về hiểm họa bom mìn tiềm ẩn ở các khu vực còn ô nhiễm. Dự án được thực hiện trên tinh thần cùng hành động để mang lại cuộc sống an toàn và cơ hội phát triển cho các vùng đất đã từng bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ, cũng như trao cơ hội và cung cấp phương tiện để các nạn nhân bom mìn có thể tái hòa nhập cồng đồng và đóng góp vào sự phát triển không chỉ của gia đình họ mà còn của cả địa phương.

Với việc ban hành Nghị định 18 và Thông tư 195 về quản lý và thực hiện các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, Chính phủ Việt Nam đã tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện những mục tiêu đặt ra trong thập kỷ này. Đây là những văn bản pháp luật làm rõ chức năng và nhiệm vụ về hành động và điều phối hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh của Trung tâm Hành động Bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) - đối tác chính của chúng tôi trong Dự án. Một trong những kết quả mà Dự án chung này đã cung cấp  cho VNMAC là cơ sở dữ liệu về đất đai ô nhiễm và số lượng nạn nhân bom mìn ở hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định, một trong những địa phương được Chính Phủ đánh giá là chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Các đối tác phát triển khác cũng đang hỗ trợ một số tỉnh cùng bị ảnh hưởng nặng nề, điển hình là Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Chính phủ Việt Nam và cộng đồng quốc tế đã cùng hợp tác trong thu thập các dữ liệu quan trọng nhằm hoạch định chính sách về hành động bom mìn dựa trên bằng chứng. Và chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ thu thập dữ liệu nhằm đo lường tiến độ, và xác định các mục tiêu đầy tham vọng cho thập kỷ. Chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam đạt được tham vọng chung về loại trừ đáng kể tác động của bom mìn và vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh đối với người dân vào năm 2030, đồng thời chấm dứt hoàn toàn thương vong dân sự do loại vật nổ này gây ra.

Hiện nay cả thế giới đang tập trung ứng phó với đại dịch virus Corona và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ. Chúng tôi hoan nghênh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam và sẽ tiếp tục hỗ trợ không chỉ ở thời điểm hiện tại mà còn cả trong giai đoạn phục hồi sau tác động của vi-rút. Sẽ có một ngày, mà hy vọng là sớm thôi, khi chúng ta nhìn lại điều này như là một công việc khó khăn mà toàn nhân loại đã giải quyết được bằng cách hành động cùng nhau. Và giống như cũng sẽ có một ngày, không muộn hơn 2030, khi chúng ta cùng nhìn lại vấn đề ô nhiễm vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam như là một vấn đề mà chúng ta đã cùng nhau hành động và cùng nhau vượt qua.

Chúng tôi khuyến khích tất cả các bạn tham gia lời kêu gọi cho một Thập kỷ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh này để đem lại đất sạch cho các cộng đồng địa phương, để không ai bị bỏ lại phía sau và để đảm bảo rằng chúng ta đáp ứng những nguyện vọng phát triển của những ai có nhu cầu đó cấp thiết nhất.

Để biết thêm thông tin về Dự án KVMAP, vui lòng truy cập địa chỉ: http://bit.ly/2UaxaOr

 Nguồn: dịch từ https://vietnamnews.vn/opinion/674645/removing-all-landmines-and-unexploded-ordnance-in-viet-nam-by-2030-can-it-be-done.html

Others