|
Tham dự chương trình, đoàn cấp cao KOICA dẫn đầu là ông Cho Han-Deog - Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam; đoàn cấp cao UNDP dẫn đầu là bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú UNDP Việt Nam; đoàn cấp cao Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) dẫn đầu là ông Giang Công Báu - Phó tổng Giám đốc VNMAC và sự góp mặt của gần 200 em học sinh cùng toàn bộ cán bộ giáo viên, nhân viên của nhà trường. |
Mặc dù nhiệt độ ngoài trời tại Quảng Bình những ngày này rất oi bức nhưng chương trình vẫn diễn ra rất sôi nổi với những tiết mục văn nghệ, tiểu phẩm kịch truyền thông về vấn đề phòng tránh tai nạn bom mìn do các em học sinh tiểu học biểu diễn.
Không chỉ thế, đại diện đoàn cấp cao KOICA, VNMAC và UNDP còn có những phần giao lưu, phổ biến các kiến thức cần thiết về bom mìn và phòng tránh tai nạn bom mìn sau chiến tranh cho các em học sinh trường tiểu học Vạn Trạch. Thông qua chương trình, Ban tổ chức mong muốn sẽ giúp các em học sinh tiểu học hiểu biết thêm những kiến thức hữu ích về tác hại do bom mìn gây ra cùng những kĩ năng xử lý các tình huống, nâng cao nhận thức và hiểu biết về cách phòng tránh bom mìn, vật liệu nổ.
"Tham gia trò chơi đố vui kiến thức với học sinh trường tiểu học Vạn Trạch về phòng tránh tai nạn bom mìn và cách bảo vệ bản thân, gia đình, tôi rất ấn tượng vì các em học sinh có nhiều kiến thức liên quan đến phòng tránh tai nạn bom mìn. Trong thời gian tới, Dự án Việt Nam - Hàn quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, đặc biệt là khuyến khích thanh thiếu niên lan tỏa thông điệp khi trở về gia đình và cộng đồng của mình", bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho biết.
|
Các em học sinh trường tiểu học Vạn Trạch rất hứng thú với chương trình tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn. |
Ông Cho Han-Deog, Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam cũng nhấn mạnh: “Tôi đánh giá rất cao tính hiệu quả trong công tác giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn của dự án. Nó giúp nâng cao nhận thức của người dân về tai nạn bom mình, đặc biệt là các em học sinh tiểu học là những đối tượng dễ bị tổn thương nhất và dễ trở thành nạn nhân của tai nạn bom mìn nhất trong cộng đồng. Trong chương trình tuyên truyền tại trường tiểu học Vạn Trach vừa qua, qua tiểu phẩm các em học sinh trình diễn và phần hỏi đáp kiến thức, tôi thấy các em học sinh rất thông minh, nhanh trí và biết cách xử lý tình huống nếu gặp vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh. Mức độ hiểu biết của các em về vấn đề tai nạn bom mìn là rất tốt. Cá nhân tôi rất hài lòng vì điều này”.
Theo kết quả điều tra khảo sát Quốc gia, Quảng Bình có khoảng 224.934 ha bị ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ, chiếm 30% diện tích toàn tỉnh. Dự án đã hỗ trợ xác định khu vực ô nhiễm và loại bỏ bom mìn, vật liệu nổ nhằm đảm bảo an toàn cho chính quyền và người dân khi xây dựng và sử dụng các công trình xã hội cơ bản như trạm y tế, trường học và đất sản xuất. Dự án còn tăng cường năng lực quốc gia về quản lý và thực hiện các dự án hành động bom mìn, đảm bảo cung cấp hỗ trợ kịp thời và có hiệu quả kinh nghiệm và nguồn lực cho các nạn nhân bom mìn và gia đình họ nhằm giảm số ca tai nạn bom mìn.