Cải thiện cuộc sống nạn nhân bom mìn

Thứ ba, 17/12/2019
 
Qua giữa kỳ thực hiện, Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” do Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) triển khai tại Bình Ðịnh đã đạt được một số kết quả nhất định, góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống nạn nhân bom mìn.
Cải thiện cuộc sống nạn nhân bom mìn
Truyền thông nâng cao nhận thức phòng chống tai nạn BM, vật nổ cho học sinh Trường Tiểu học số 2 Cát Tân (Phù Cát).

Theo thống kê, từ năm 1965 đến năm 1975, không quân Mỹ đã đánh phá địa bàn Bình Định với số lượng bom mìn (BM), vật nổ khoảng 250 nghìn tấn và còn sót lại sau chiến tranh hơn 8.000 tấn. Các cơ quan chức năng đã khảo sát và nhận thấy tình trạng ô nhiễm BM, vật nổ có mặt ở 159/159 xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Trong hợp phần 1 của Dự án, Bộ CHQS tỉnh đã khảo sát kỹ thuật gần 9.700 ha tại các địa phương trong tỉnh thì có gần 4.125 ha đất bị ô nhiễm BM. Thiếu tá Nguyễn Văn Hùng, Chủ nhiệm Công binh (Bộ CHQS tỉnh), cho biết: “Từ ngày 20.6 - 25.10, Bộ CHQS tỉnh đã rà phá BM trên diện tích gần 1.000 ha và đã thu được 12.325 vật nổ. Đây chỉ là những khu vực trọng tâm, có điều kiện để phát triển KT-XH nên được ưu tiên để thực hiện rà phá. Điều đó cho thấy mức độ ô nhiễm BM trên địa bàn tỉnh còn khá cao. Chúng tôi cũng đã kiến nghị bổ sung vào Dự án thêm gần 1.580 ha cần tiến hành khảo sát kỹ thuật và rà phá BM”.

Kết quả đáng ghi nhận qua giữa kỳ thực hiện Dự án tại Bình Định, đó là công tác phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân đã được các đơn vị, địa phương trong tỉnh và Ban quản lý Dự án phối hợp thực hiện tốt. Trong đó, đã có hơn 5.500 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục cấp Tiểu học và THCS được tập huấn về lồng ghép giáo dục nguy cơ BM trong chương trình giảng dạy. Sau đó, các trường đã tổ chức lồng ghép giáo dục nội dung này vào các môn học và các hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt, tại các buổi truyền thông được tổ chức tại các địa phương, ban tổ chức đã trưng bày nhiều tranh ảnh liên quan đến BM, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh. Ngoài ra, các tuyên truyền viên còn giới thiệu đến người dân và học sinh về đặc điểm nhận biết của các loại BM thường gặp như: Bom bi, đạn cối, mìn cóc, lựu đạn, mìn chống tăng... và hướng dẫn cách ứng xử khi gặp phải. Em Nguyễn Văn Nam (học sinh Trường THCS Tây Phú, Tây Sơn) bày tỏ: “Được tham gia chương trình tuyên truyền tại trường, em đã có thêm hiểu biết về cách nhận biết một số loại BM và cách phòng tránh tai nạn. Sau này, nếu thấy vật lạ có hình dáng giống BM, vật nổ, dù đã gỉ sét em cũng không chủ quan cầm nắm hay xê dịch mà báo cho người lớn biết”.

Đánh giá cao công tác tuyên truyền, ông Ian Mansfilds, Chuyên gia tư vấn Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bày tỏ sự hài lòng: “Trước khi triển khai dự án, chúng tôi đã làm cuộc khảo sát kiến thức, thái độ và hành vi liên quan đến rủi ro BM, vật nổ tại Bình Định thì có hơn một nửa số người chưa có kiến thức đúng về vấn đề này. Nên việc nâng cao nhận thức về nguy cơ BM đạt hiệu quả là kết quả tốt, góp phần giảm thiểu được tai nạn BM, vật nổ trước khi tất cả đất đai ở tỉnh được rà phá, làm sạch”.

Tập trung hỗ trợ nạn nhân

Ông Trần Quang Lâm, Quản lý Dự án, cho biết: “Song song với hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, Dự án đặt ra mục tiêu hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân BM và người khuyết tật; từng bước tạo điều kiện cho họ hòa nhập cộng đồng. Từ nay đến khi dự án kết thúc (12.2020), chúng tôi sẽ tập trung hỗ trợ nạn nhân BM trên các mặt y tế và sinh kế”.

Trong khi đó, sau khi tổ chức 3 lớp tập huấn hướng dẫn sử dụng phần mềm đăng ký cấp giấy xác nhận khuyết tật và quản lý đối với người khuyết tật, nạn nhân BM, Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các địa phương tổ chức rà soát, thu thập thông tin 43.760 người khuyết tật, nạn nhân BM. Ông Nish Chistensen, Cố vấn trưởng Dự án, chia sẻ: “Các nạn nhân BM và gia đình sẽ được Dự án hỗ trợ trên nhiều phương diện như khám, đánh giá tình trạng sức khỏe; hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình; học nghề, hỗ trợ vốn và hỗ trợ sửa chữa nhà. Ngoài ra, Dự án cũng sẽ nâng cao năng lực hỗ trợ nạn nhân BM thông qua hệ thống các cơ quan liên quan như nâng cấp thiết bị, cơ sở vật chất của Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng của tỉnh; cung cấp thiết bị chỉnh hình cho một số trạm y tế cấp xã hay thiết lập đường dây nóng kết nối, hỗ trợ nạn nhân BM”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh nhìn nhận: “Đây là Dự án hết sức ý nghĩa; qua đó sẽ tăng cường năng lực quản lý trong công tác khắc phục hậu quả BM sau chiến tranh, đảm bảo an toàn cho người dân, góp phần phát triển KT-XH của địa phương. Quan điểm của tỉnh là tranh thủ mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người dân, nhất là với những người khuyết tật, nạn nhân BM. Vì vậy, tỉnh mong muốn Ban quản lý Dự án sẽ phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương trong tỉnh để triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung trọng tâm của Dự án trong năm 2020”.

Nguồn: Báo Bình Định

Others