Cần xây dựng chương trình đặc thù hỗ trợ nạn nhân bom mìn, người khuyết tật

Thứ ba, 17/12/2019
 
Trong khuôn khổ Chương trình công tác giai đoạn 2018 - 2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, trong 2 ngày 11 - 12/6, tại Quảng Bình diễn ra “Hội nghị quốc tế về tăng cường công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học và người khuyết tật tại Việt Nam”. Tham dự và điều hành Hội nghị có bà Cao Thị Thanh Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TBXH); đại diện một số cơ quan trực thuộc Bộ; đại diện các Sở LĐ-TBXH tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên – Huế; các đối tác quốc tế.
Cần xây dựng chương trình đặc thù hỗ trợ nạn nhân bom mìn, người khuyết tật

Phát biểu tại Hội nghị, bà Cao Thị Thanh Thủy cho biết, Việt Nam là quốc gia đã phải gánh chịu những hậu quả của các cuộc chiến tranh. Trong khi việc rà phá bom mìn và tẩy rửa chất độc hóa học đang từng bước tiến hành, vẫn còn hàng triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nhiều tai nạn do bom mìn xảy ra làm tăng số lượng người bị thương vong do bom mìn sau chiến tranh lên tới gần 100.000 người, tập trung nhiều ở các tỉnh miền Trung, gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng.

Trong bối cảnh đó, nhằm đảm bảo quyền của người khuyết tật nói chung, của các nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam có khoảng gần 8 triệu người khuyết tật (NKT), chiếm khoảng 7,8% dân số. Năm 2018, ngân sách nhà nước đã bố trí 17.388 tỷ đồng để thực hiện chính sách trợ giúp đối với các đối tượng bảo trợ xã hội và 299 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục - đào tạo đối với NKT.

Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chính sách, đề án, chương trình trợ giúp NKT bằng nhiều hình thức đa dạng phong phú. Các tổ chức của NKT đã phối hợp với Bộ LĐ-TBXH và nhiều tổ chức quốc tế tổ chức các chương trình hội thảo, giao lưu có sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về NKT và hoạt động trợ giúp NKT.

Để thúc đẩy việc hòa nhập xã hội cho người khuyết tật, vấn đề việc làm và tăng cường tiếp cận cho họ ngày càng được Chính phủ quan tâm đẩy mạnh. Từ năm 2018, Bộ LĐ-TBXH đã thúc đẩy mô hình giới thiệu việc làm cho NKT thông qua các Trung tâm dịch vụ việc làm, tư vấn định hướng nghề nghiệp, khởi sự doanh nghiệp cho hàng ngàn NKT.

Ngoài ra các Bộ, ngành, địa phương cũng đã thực hiện các chương trình, hoạt động, dự án, trợ giúp NKT dưới nhiều hình thức đa dạng bao gồm trợ giúp xã hội, bảo hiểm y tế, phục hồi chức năng, hỗ trợ học nghề, sinh kế, tạo việc làm cho nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Tại Hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh, mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể trong việc hỗ trợ NKT, trong đó có nạn nhân bom mìn và chất độc da cam, Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức về nguồn lực, khả năng tiếp cận trang thiết bị cho NKT và cải thiện điều kiện sống cho họ, do đa số NKT sống ở nông thôn, có điều kiện sống khó khăn, thuộc các hộ cận nghèo, đa số không có việc làm, thu nhập bấp bênh.

Với những thách thức đó, vấn đề đặt ra là làm thế nào có thể sử dụng tốt nhất nguồn lực sẵn có để trợ giúp hiệu quả đúng đối tượng, tránh bỏ sót các trường hợp cần trợ giúp nhưng cũng cần tránh chồng chéo với những trợ giúp cho các đối tượng xã hội nói chung, đảm bảo công bằng xã hội.

Theo lãnh đạo Sở LĐ-TBXH Thừa Thiên – Huế, để trợ giúp nạn nhân bom mìn cũng như hạn chế và khắc phục các tác động khác của bom mìn, vật liệu nổ phải cần một nguồn lực rất lớn. Do đó, các đại biểu kêu gọi các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là các tổ chức quốc tế tiếp tục trợ giúp Việt Nam nói chung, các tỉnh miền Trung nói riêng – nơi bị ô nhiễm nặng bởi bom mìn, đẩy mạnh công tác khắc phục hậu quả.

Ngoài ra cần hết sức lưu ý tới việc xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực cho công tác này; đẩy mạnh đào tạo và tập huấn cho đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành công tác khắc phục hậu quả bom mìn; nghiên cứu phát triển công nghệ rà phá bom mìn.

Đại diện Cục Bảo trợ xã hội cũng kiến nghị xây dựng chương trình, dự án đặc thù hỗ trợ cho NKT, nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học về phục hồi chức năng, hòa nhập cộng đồng, tiếp cận các nguồn lực và tạo sinh kế. Thí điểm và mở rộng ứng dụng CNTT, phần mềm trong thu thập, quản lý thông tin về các đối tượng này; có thể tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội. Cùng với đó, tăng cường đầu tư cho mạng lưới cơ sở trợ giúp xã hội đáp ứng nhu cầu phục hồi chức năng và trợ giúp của nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học; mở rộng các đối tác hỗ trợ cho NKT, nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học, đặc biệt trên các vùng bị ô nhiễm nặng về bom mìn và chất độc hóa học.

Theo Bộ LĐTBXH

Others