Tăng cường công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học và người khuyết tật

Thứ ba, 17/12/2019
 
Trong khuôn khổ chương trình công tác giai đoạn 2018-2020 của Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam, ngày 11 và 12-6, tại TP. Đồng Hới, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) phối hợp với Sở LĐ-TB-XH Quảng Bình tổ chức hội nghị quốc tế về tăng cường công tác hỗ trợ nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học và người khuyết tật tại Việt Nam.

Tham dự có đại diện lãnh đạo các cơ quan trực thuộc Bộ; Sở LĐ-TB-XH tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế và các đối tác quốc tế.

Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung đánh giá, thảo luận công tác điều phối quốc gia về khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam; tổng quan về chính sách hỗ trợ cho nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học.

Theo đó, Việt Nam là quốc gia gánh chịu những hậu quả của các cuộc chiến tranh, trong khi việc rà phá bom mìn và tẩy rửa chất độc hóa học đang từng bước được tiến hành. Cả nước vẫn còn hàng triệu người bị phơi nhiễm chất độc hóa học, nhiều tai nạn do bom mìn xảy ra, làm tăng số người bị thương vong do bom mìn sau chiến tranh gần 100.000 người. Hiện, toàn quốc có gần 8 triệu người khuyết tật, chiếm khoảng 7,8% dân số.

Năm 2018, ngân sách nhà nước đã bố trí 17.388 tỷ đồng để trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và 299 tỷ đồng thực hiện chính sách hỗ trợ về giáo dục-đào tạo đối với người khuyết tật. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cũng đã thực hiện các chương trình, hoạt động, dự án… trợ giúp người khuyết tật dưới nhiều hình thức đa dạng, gồm: trợ cấp xã hội, bảo hiểm y tế, phục hồi chức năng, học nghề, sinh kế, tạo việc làm… để nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống.

Ở Quảng Bình, toàn tỉnh có 159/159 xã, phường bị ô nhiễm bom mìn với tổng diện tích bị ô nhiễm 224.000ha (trung bình mỗi m2 đất ở gánh chịu 29kg bom đạn). 10 năm trở lại đây, toàn tỉnh xảy ra 164 vụ tai nạn do bom mìn, làm chết 49 người và 115 người bị thương.

Mặc dù đã có những nỗ lực đáng kể để hỗ trợ người khuyết tật, trong đó có nạn nhân bom mìn và chất độc da cam nhưng Việt Nam vẫn gặp nhiều thách thức về nguồn lực, khả năng tiếp cận trang thiết bị cho các đối tượng và cải thiện điều kiện sống cho họ.

Vì vậy, hội nghị lần này đặt ra các vấn đề, làm thế nào sử dụng tốt nhất nguồn lực sẵn có để trợ giúp hiệu quả, đúng đối tượng; tránh bỏ sót các trường hợp cần trợ giúp; tránh chồng chéo những trợ giúp các đối tượng xã hội nhằm bảo đảm công bằng...

Hội nghị cũng đã giành thời gian để các địa phương, đối tác quốc tế chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ nạn nhân bom mìn, nạn nhân chất độc da cam và người khuyết tật; những mô hình, dự án, sáng kiến, các nhu cầu và định hướng ưu tiên thời gian tới; các quy định và hướng dẫn vận động, xúc tiến kêu gọi các dự án phi chính phủ hỗ trợ nạn nhân bom mìn, chất độc hóa học và người khuyết tật…

Nguồn: Báo Quảng Bình

Others