Hỗ trợ nạn nhân bom mìn tỉnh Quảng Bình bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19

Thứ tư, 27/05/2020
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 trên toàn cầu hiện vẫn đang có những diễn biến phức tạp làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân, nạn nhân bom mìn là nhóm dễ tổn thương nhất và cần sự giúp đỡ.
 

khuôn khổ dự án Việt Nam – Hàn Quốc Hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (KV-MAP), ngày 26/5 Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam (KOICA) phối hợp với Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP), Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) và Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình đã thăm hỏi và trao quà gồm thực phẩm, khẩu trang và nước rửa tay tượng trưng cho Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình và trực tiếp cho 14 nạn nhân bom mìn tại xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình. Tổng số 9,100 nạn nhân bom mìn của tỉnh Quảng Bình và Bình Định sẽ nhận được sự hỗ trợ này trong thời gian tiếp theo. 

Ông Cho Han-Deog, Giám đốc Quốc gia KOICA phát biểu tại buổi trao quà cho các nạn nhân bom mìn.

Tại buổi lễ bàn giao, ông Cho Han-Deog, Giám đốc Quốc gia KOICA Việt Nam cho biết: “Được gặp gỡ các nạn nhân bom mìn và đối thoại với họ, tôi thấy dự án KV-MAP hoạt động rất hiệu quả, đặc biệt là hợp phần hỗ trợ nạn nhân. Đây là những người dễ tổn thương nhất chịu tác động của đại dịch COVID-19. Hy vọng những món quà này sẽ giúp họ phần nào ổn định được cuộc sống sau đại dịch và tiếp tục phát triển”.

Ông Cho Han-Deog cho biết thêm, rất nhiều người dân bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Trong cuộc chiến chống dịch, sự đoàn kết của các quốc gia rất quan trọng. Những vật phẩm được dự án Việt Nam-Hàn Quốc Hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh trao tặng cho nạn nhân bom mìn là tình cảm và sự đoàn kết của nhân dân Hàn Quốc đối với nhân dân Việt Nam.

 Bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam và ông Cho Han-Deog trao quà cho các nạn nhân bom mìn.

Cũng tại buổi trao tặng quà cho các nạn nhân bom mìn, bà Caitlin Wiesen, Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn kịp thời đáp ứng một số nhu cầu cấp thiết của các nạn nhân bom mìn về phòng chống dịch COVID-19. Sự kiện này là động thái tiếp nối kết quả khảo sát được công bố cách đây 10 hôm. Tôi hân hạnh được cùng với Giám đốc Quốc gia KOICA tham dự sự kiện và trao các phần quà là thực phẩm, khẩu trang, nước rửa tay đến 14 đại diện trong số 9.100 nạn nhân bom mìn và gia đình các nạn nhân tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định nhằm tiếp sức chống lại dịch bệnh COVID-19”.

Từ phía địa phương, ông Trịnh Đình Dương – Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình thông tin: “Quảng Bình là một trong những tỉnh gánh chịu hậu quả nặng nề nhất trong chiến tranh. Tính trung bình mỗi mét vuông của tỉnh Quảng Bình phải hứng chịu tới 29kg bom mìn, vật nổ các loại. Từ năm 1975 đến nay, toàn tỉnh Quảng Bình có hơn 3.000 người chết và hơn 3.000 người bị thương vì các tai nạn bom mìn, vật nổ còn sót lại. Do vậy, dự án KV-MAP có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người dân địa phương”.

Ông Dương cũng nhấn mạnh: “Hợp phần khảo sát rà phá của Dự án KV-MAP giúp thu hồi các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh, tạo ra môi trường an toàn để người dân thực hiện các hoạt động sản xuất, xây dựng các công trình dân sinh. Trong điều kiện kinh tế của tỉnh còn khó khăn, dự án KV-MAP đã góp phần hỗ trợ tỉnh và người dân Quảng Bình tăng được quỹ đất sạch, phục vụ các công trình công cộng, giúp người dân yên tâm lao động, sản xuất.”

Đoàn cấp cao trong buổi trao quà. 

Xúc động trước sự quan tâm của đoàn cấp cao, bà Phan Thị Thương, đại diện cho những nạn nhân bom mìn tại xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn nói:“Tôi rất trân trọng và vui mừng khi được đón nhận những món quà mà các vị đại diện trao tới các nạn nhân bom mìn như chúng tôi ngày hôm nay. Những món quà này sẽ giúp đỡ tôi cũng như gia đình trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày”. 

Trước đó, với sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT), Đại sứ quán Ireland tại Việt Nam và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA), UNDP đã triển khai khảo sát nhanh về tác động kinh tế xã hội của đại dịch COVID-19 đối với người khuyết tật và nạn nhân bom mìn .

 

Kết quả khảo sát cho thấy 66% nạn nhân bom mìn không có đủ tiền để mua nhu yếu phẩm, 59% chia sẻ thu nhập gia đình của họ giảm và 35% đang phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp tạm thời. 

Hỗ trợ nạn nhân bom mìn và gia đình họ là một trong những hợp phần chính của Dự án Việt Nam - Hàn Quốc Hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh do VNMAC, UNDP và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp triển khai từ năm 2018.

Dự án nhằm tăng cường các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, hướng tới cộng đồng an toàn và phát triển bền vững. Cùng với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Dự án đã xây dựng cơ sở dữ liệu chính thức của 75.000 người khuyết tật, trong đó có 9.100 nạn nhân bom mìn tại hai tỉnh Quảng Bình và Bình Định. Cơ sở dữ liệu này còn bao gồm thông tin đánh giá nhu cầu hỗ trợ của người khuyết tật, qua đó giúp Dự án cung cấp các hỗ trợ phù hợp đến các nhóm đối tượng đích.

“Dự án Việt Nam - Hàn Quốc Hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” còn chú trọng tăng cường quản trị và quản lý các hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn ở cấp quốc gia và giảm thiểu tai nạn trong tương lai bằng cách nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về nguy cơ tiềm ẩn từ bom mìn, vật nổ.

Cho đến nay, Dự án đã khảo sát gần 17.000 ha và rà phá hơn 4.000 ha đất đai bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ ở Quảng Bình & Bình Định, cung cấp thêm đất sạch cho các dự án phát triển tại hai tỉnh này. Ngoài ra, hơn 150.000 học sinh và người dân địa phương đã được giáo dục về các hành vi an toàn khi sống trong môi trường bị ảnh hưởng bởi bom mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh.

Others