|
Ông Đào Tuấn (Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam) giới thiệu sách “Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn sau chiến tranh” (Ảnh: Mạnh Đăng). |
Hậu quả nặng nề và lâu dài
Việt Nam là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom mìn và chịu hậu quả của bom mìn còn sót lại nặng nề nhất trên thế giới. Ước tính, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh ở nước ta khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm khoảng 6,13 triệu ha, chiếm 18,71 % tổng diện tích của cả nước. Số bom mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại tất cả các tỉnh, thành phố. Trong đó, khối lượng tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền trung.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn tồn sót phát nổ đã làm hơn 40 nghìn người bị chết, 60 nghìn người bị thương. Phần lớn trong số họ là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Tất cả các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại đều rất nguy hiểm, có thể gây nổ khi tác động phải trong quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt, hoặc có thể tự nổ do những nguyên nhân về cơ học, lý học hay hoá học.
Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom mìn tại những vùng đất bị ô nhiễm, tập trung những địa bàn tỉnh, thành có diện tích ô nhiễm cao như: Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Định, Hà Giang, đồng bằng sông Cửu Long…Tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng để làm sạch hết bom mìn sau chiến tranh Việt Nam, cần kinh phí hàng chục tỷ USD với thời gian kéo dài hơn 100 năm. Chưa kể, chúng ta còn cần hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, bảo đảm an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom mìn
Hơn 40 năm qua, Việt Nam đã xác định việc khắc phục hậu quả bom mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên và lâu dài. Việc tập trung cho công tác rà phá bom mìn, trợ giúp xã hội cho nạn nhân bom mìn tái hoà nhập cộng đồng, tập trung tuyên truyền, giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn cho nhân dân.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) cho biết, để tạo cơ sở pháp lý về tổ chức, quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, ngày 21-4-2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Chương trình 504). Chương trình có mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống, an sinh xã hội.
Để Chương trình được triển khai có hiệu quả, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 2338/QĐ-TTg ngày 22-12-2010 về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 504, nay là Ban Chỉ đạo 701- Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam) do Thủ tướng Chính phủ là Trưởng ban.
Chương trình 504 và việc hình thành, hoạt động của VNMAC đã giúp công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh dần đi vào nền nếp, đã tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước, các địa phương, các đơn vị trực tiếp thực hiện và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Trong Kế hoạch thực hiện Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn giai đoạn 2010 - 2025, một trong những nhiệm vụ cụ thể là đẩy mạnh công tác vận động, xúc tiến ký kết triển khai tài trợ quốc tế từ chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ thực hiện Chương trình.
Ngoài ra, công tác rà phá bom mìn phục vụ phát triển kinh tế cũng được ưu tiên, trước hết là các địa phương có mật độ ô nhiễm bom mìn cao tại khu vực miền trung, Tây Nguyên, biên giới phía bắc, biên giới Tây Nam với diện tích khoảng 200 nghìn ha.
Một điểm nhấn chính sách quan trọng là tăng cường các hoạt động trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng. Nạn nhân bom mìn có nhu cầu được phục hồi chức năng và trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng để có thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế, xã hội. Cùng với đó là các công tác trợ giúp xã hội thiết yếu cho nạn nhân bom mìn.
Tuyên truyền phòng tránh bom mìn rộng rãi tới người dân
Phó Tổng giám đốc VNMAC Nguyễn Hạnh Phúc cũng nhấn mạnh, cần triển khai tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân và cộng đồng. Việc đẩy mạnh giáo dục nguy cơ về bom mìn cho người dân, học sinh ở các vùng ô nhiễm bom mìn là rất cần thiết, đặc biệt là trẻ em. Khả năng tự nhận biết bom mìn, vật nổ, có ý thức phòng tránh sẽ giúp người dân và cộng đồng biết tự bảo vệ khi không có lực lượng chức năng ở đó.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đào Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Khoa học - công nghệ (Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam), chia sẻ, một đồng dành cho công tác tuyên truyền, phòng tránh sẽ giúp giảm hàng triệu đồng phải hỗ trợ sinh kế cho các nạn nhân bom mìn. Thời gian qua, Hội cùng các tổ chức liên quan đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền phòng tránh tai nạn bom mìn cho người dân và các em học sinh, nhất là các tỉnh trọng điểm ô nhiễm bom mìn.
Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam cũng đã phát hành tập truyện tranh dành cho thiếu niên, nhi đồng với chủ đề “Giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn sau chiến tranh”, với số lượng khoảng 33 nghìn cuốn. Nội dung và hình thức của những cuốn sách này cuốn hút, mang tính giáo dục cao, phù hợp với các em nhỏ. Sách đã được Hội và các chi hội địa phương trao tặng cho học sinh tại các vùng ô nhiễm bom mìn trên địa bàn toàn quốc. Tuy mới ra mắt thử nghiệm, cuốn sách đã nhận được phản hồi rất tốt từ dư luận xã hội, các nhà trường và đông đảo học sinh.