Mục tiêu chiến lược giáo dục nguy cơ bom mìn và vật liệu nổ tại Quảng Bình và Bình Định năm 2020

Thứ năm, 05/11/2020

Nhiều năm sau chiến tranh, đất đai và con người Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề bởi bom mìn và vật liệu chưa nổ. Do đó, mục tiêu cụ thể là chấm dứt các vụ tai nạn do bom mìn và vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh tại Quảng Bình và Bình Định trong năm 2020 và các năm tiếp theo.

 
Mục tiêu chiến lược giáo dục nguy cơ bom mìn và vật liệu nổ tại Quảng Bình và Bình Định năm 2020

Trước đó, theo kết quả của dự án “Lập bản đồ và Khảo sát quốc gia ô nhiễm vật nổ sau chiến tranh” trong giai đoạn 2010-2014, tất cả 63/63 tỉnh thành phố trên toàn quốc đều bị ô nhiễm vật nổ sau chiến tranh. Theo chính phủ Việt Nam, tổng diện tích đất đai bị ô nhiễm là 6.13 triệu hecta, chiếm 18.71% diện tích cả nước.

Để hỗ trợ nỗ lực loại bỏ vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, Dự án Việt Nam- Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã được xây dựng và hình thành trên cơ sở hợp tác chặt chẽ giữa Chính phủ Hàn Quốc và Chính phủ Việt Nam.

Năm 2016, Thủ tướng đã phê duyệt dự án trong đó Bộ quốc phòng được giao là cơ quan thực hiện và Trung tâm hành động bom mìn là cơ quan chủ quản dự án. Mục đích chính của dự án là nhằm nâng cao năng lực cho Trung tâm hành động bom mìn quốc gia (VNMAC) và các cơ quan chịu trách nhiệm khác trong việc loại bỏ các vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Quảng Bình và Bình Định.

Kết quả Khảo sát kiến thức, thái độ và hành vi liên quan đến rủi ro bom mìn thực hiện năm 2018 với sự tham gia của 1700 người dân tại Quảng Bình và Bình Định cho thấy nhận thức của người dân về nguy cơ bom mìn và vật nổ chưa cao.

Các nội dung kiến thức người dân biết ít nhất về nguy cơ bom mìn gồm: chỉ có 0,8% biết các dấu hiệu cảnh báo các khu vực có bom mìn, vật nổ; 5,7% có kiến thức đúng về hậu quả của tai nạn bom mìn; 6,2% có kiến thức đúng về các hoạt động có thể dẫn đến tai nạn bom mìn và 12,6% có kiến thức về các đặc điểm của bom mìn, vật nổ.

Cứ 5 người tham gia khảo sát có 1 người trả lời có thái độ đúng với những vấn đề rủi ro bom mìn. Thậm chí đáng lo ngại hơn khi chỉ có một tỷ lệ nhỏ người dân (5%) có thái độ đúng khi thấy bom mìn và vật liệu nổ và khoảng 1/3 số người được hỏi có thái độ đúng khi nhìn thấy dấu hiệu cảnh báo có bom mìn hoặc nhìn thấy người khác đang cưa bom/vật nổ.

Trước thực trạng này, các khuyến nghị được đưa ra gồm các hoạt động truyền thông giáo dục an toàn bom mìn nên hướng tới những nhóm có nguy cơ cao như trẻ em, những người lao động tự do, nông dân, phụ nữ ở Quảng Bình và Bình Định.

Chiến lược thực hiện và kế hoạch hành động về an toàn bom mìn cung cấp thông tin chi tiết về cách thức triển khai hoạt động tại Quảng Bình và Bình Định trong năm 2019-2020.

Mục tiêu cụ thể là chấm dứt các vụ tai nạn do bom mìn và vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh (không còn tai nạn) tại Quảng Bình và Bình Định trong năm 2020 và các năm tiếp theo, thông qua nâng cao nhận thức của phụ nữ, nam giới và trẻ em, nhất là các nhóm có nguy cơ tai nạn bom mìn ở khu vực bị ô nhiễm nhất.

Bài học thành công về hợp phần giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn của dự án Việt Nam- Hàn Quóc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh sẽ được nhân rộng ở các tỉnh khác sẽ góp phần làm giảm số vụ tai nạn bom mìn và số nạn nhân bom mìn và vật liệu nổ mới ở các địa bàn đó.

Nguồn: KVMAP

Hemera Media

Others