Quảng Bình: Khởi đầu mới cho những nạn nhân bom mìn được lắp cánh tay điện

Thứ tư, 01/04/2020
Là những nạn nhân bom mìn được hỗ trợ lắp cánh tay điện của tổ chức Vulcan Augmetics trong dự án Việt Nam – Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mình sau chiến tranh do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Cục Bảo trợ xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp, anh Đinh Th và Trần Đình Th tại Quảng Bình đã tự tin hơn trong hoà nhập cộng đồng và có cơ hội cải thiện cuộc sống khốn khó trước đây.

Tai nạn bất ngờ

 Anh Đinh Th là người dân tộc thiểu số Arem. Cha mẹ anh chuyển đến làng Đoòng trong Chương trình Cải tạo của Chính phủ Việt Nam năm 1956. Vào thời điểm đó, tổng số dân tộc thiểu số Arem chưa đến 100 người. Anh Th hiện đã có vợ và 5 con, cháu lớn nhất 15 tuổi, nhỏ nhất 2 tuổi. Bản làng nơi anh Th sinh sống nằm cách thành phố Đồng Hới khoảng gần 3 giờ đi xe, với điều kiện điện lưới và giao thông liên lạc rất khó khăn.

Anh Đinh Th trước khi được lắp cánh tay điện chức năng.

Năm 2007, anh Th đã gò một đầu đạn để làm bịt đầu cọc làm trĩa lúa rẫy, do không có hiểu biết về bom mìn nên không may đầu đạn đã phát nổ làm anh mất đi nửa cánh tay. Là lao động chủ lực của gia đình, tai nạn đã khiến cuộc sống của anh Th gặp rất nhiều khó khăn chồng chất. Trước đó, nghề nông là nguồn thu nhập chính của gia đình cho đến khi Th gặp tai nạn.
Khi tình trạng sức khỏe giảm sút, anh buộc phải dệt giỏ tre để kiếm thêm tiền nuôi gia đình 7 thành viên. Với việc bị mất đi nửa cánh tay, anh Th cho biết thực hiện công việc trở nên khó khăn hơn. Anh Th cũng phải dừng lại các việc nặng, ngay cả các việc sinh hoạt hàng ngày, cần phải có sự trợ giúp của người thân. Mỗi ngày, anh Th dù rất cố gắng cũng chỉ có thể làm được 1 giỏ tre để kiếm khoản thu nhập khiêm tốn và không ổn định nên cuộc sống hết sức khó khăn. 

Đồng cảnh ngộ với anh Đinh Th, Anh Trần Đình Th sinh năm 1969, hiện trú tại thôn Trung Thượng, xã Quảng Sơn, thị xã Ba Đồn, tỉnh Quảng Bình cũng gặp rất nhiều khó khăn sau khi xảy ra tai nạn.

Mất đi một cánh tay khiến anh Trần Đình Th gặp rất nhiều khó khăn trong các công việc hàng ngày.

Trước khi xảy ra vụ việc, anh Đình Th là một ngư dân và là lao động chủ lực của cả gia đình. Tháng 8 năm 2012, trong quá trình làm lao động, anh Đình Th đã vô tình đụng phải một quả bom phát nổ. Vụ tai nạn đã khiến anh bị mất một cánh tay trái, một mắt bị giảm 70% thị lực.

Hiện tại, anh Đình Th. sống một mình trong một ngôi nhà nhỏ do Chính phủ hỗ trợ một nửa và một nửa do người thân hỗ trợ. Do sức khoẻ yếu và bị tàn tật nên sinh hoạt của anh Đình Th phải nhờ đến sự trợ giúp của người thân sống gần đó. Công việc hàng ngày của anh Đình Th chủ yếu chỉ ở nhà chăm đàn gia súc.

Ánh sáng nơi cuối đường hầm

 Trước những khó khăn của các nạn nhân bị tai nạn do bom mìn, trong khuôn khổ dự án Việt Nam – Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mình sau chiến tranh do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) và Cục Bảo trợ xã hội, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Bình phối hợp với Vulcan Augmetics đã thực hiện khảo sát đánh giá một số nạn nhân bom mìn tại Quảng Bình đáp ứng đủ tiêu chí lắp tay điện chức năng tại nhà của nạn nhân trong thời gian từ 9-10/1/2020. Nhóm chuyên gia của Vulcan Augmetics là một doanh nghiệp khởi nghiệp tại Việt Nam chuyên sản xuất các module chân tay giả giá thành thấp dành cho người khuyết tật, sử dụng công nghệ in 3D, giúp người khuyết tật thay đổi cuộc sống và có việc làm ổn định. 


Sau khi đánh giá thực trạng và nhu cầu của hai nạn nhân, ngày 25 và 26/3/2020 vừa qua, nhóm chuyên gia đã tiến hành lắp đặt hai cánh tay điện cho anh Đinh Th và Trần Đình Th. Với những cánh tay điện này, các chuyên gia hy vọng sẽ giúp anh Đinh Th và anh Trần Đình Th tự tin hơn trong cuộc sống, ổn định thu nhập của mình và gia đình.

Cánh tay mà anh Đinh Th được hỗ trợ là loại tay cơ, có 5 chức năng cầm nắm linh hoạt và chắc chắn, giúp người sử dụng làm được các thao tác lao động hàng ngày, có thể điều khiển dễ dàng bằng hệ dây kéo kết nối với vai, phần tay giả có thể giảm tránh được các tác động của bụi bẩn, nước hay lực mạnh.

Anh Đinh Th rất vui mừng khi nhận đươc cánh tay cơ với chức năng mới.

Sau nhiều năm không thể lao động được như người bình thường, anh Đinh Th xúc động cho biết: “Suốt thời gian dài làm việc gì cũng khó khăn, nhiều đồ dùng không sử dụng được, tôi trở thành gánh nặng cho gia đình cũng buồn lắm. Nay có cánh tay mới này thấy tự tin, hi vọng cuộc sống sẽ được cải thiện hơn rất nhiều”.

Với cánh tay điện mới được lắp đặt, cuộc sống của anh Đinh Th đã đỡ vất vả hơn rất nhiều. Giờ đây anh Th có thể làm được những việc đơn giản như cầm nắm sử dụng các đồ dùng hàng ngày. Thậm chí anh Th còn có thể làm được các việc nặng trước đây không thể làm nổi như xách 2-3 can nước, cầm xẻng xúc cát. Trước đây anh Th. sinh hoạt hàng ngày đều cần phải có sự trợ giúp của người khác thì nay anh có thể tự mình làm mọi thứ.

Anh Đinh Th giờ có thể cầm được xẻng xúc cát dễ dàng.

Dù còn chưa quen và có phần bỡ ngỡ với một cánh tay hoàn toàn mới nhưng anh Th không giấu nổi sự vui mừng cho biết cánh tay mới thực sự rất quan trọng với cuộc sống của anh, hiện tại anh đang làm quen dần để sử dụng thuần thục nhất có thể.

Cùng niềm vui với anh Đinh Th, anh Trần Đình Th, loại tay điện chức năng anh được hỗ trợ là loại tay điện điều khiển bluetooth, thế hệ thứ IX do Vulcan Augmetics nghiên cứu và phát triển. Chiếc tay điện này gồm có 2 chức năng nắm mở thiết yếu như cầm nắm, và kẹp các vật thể nhỏ giúp người sử dụng có thể thực hiện các thao tác sinh hoạt hàng ngày dễ dàng hơn.

Anh Trần Đình Th có thể cầm nắm dễ dàng hơn với cánh tay điện.

Là người trực tiếp lắp đặt các cánh tay điện chức năng cho các nạn nhân, chuyên gia của Vulcan, anh Lê Tấn Việt Linh cho biết, ở những nơi xa xôi, không có điện thì sử dụng tay cơ sẽ phù hợp hơn cho công việc lao động, đi rừng, giúp sinh hoạt hàng ngày, và dễ dàng sử dụng. Tùy vào hoàn cảnh và nhu cầu công việc của mỗi nạn nhân, nhóm chuyên gia sẽ tiến hành thiết kế, lắp đặt tay giả sao cho phù hợp. Còn loại tay điện dùng pin sẽ phù hợp hơn cho người lao động nhẹ và công việc văn phòng.

Nhận định về hiệu quả của việc hỗ trợ lắp đặt cánh tay điện cho các nạn nhân bom mìn sau chiến tranh trên địa bàn tỉnh Quảng Bình, ông Trịnh Đình Dương, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội nhận định: “Hậu quả của chiến tranh là vô cùng tàn khốc. Đối tượng chịu ảnh hưởng dù chiến tranh đã qua đi chính là người dân. Dự án KV-MAP hỗ trợ khắc phục hậu quả nạn nhân bom mìn sau chiến tranh mang tính nhân văn sâu sắc và được chính quyền cùng nhân dân tỉnh Quảng Bình và Bình Định đồng thuận cao.

Hiện tại đang có khoảng 4500 nạn nhân bom mìn tại Quảng Bình, họ là đối tượng thiệt thòi, có nhiều khó khăn nhất trong đời sống sinh hoạt vì chịu di chứng hậu quả của chiến tranh, nếu được hỗ trợ thì sẽ thay đổi rất nhiều trong cuộc sống. Họ sẽ có cơ hội để phục hồi chức năng, sinh hoạt, giảm bớt khó khăn về kinh tế, phục vụ sản xuất để tạo ra thu nhập giúp bản thân và gia đình, đồng thời hỗ trợ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giúp đỡ lẫn nhau theo nhóm. Bên cạnh đó cũng giúp họ tự tin hơn, cuộc sống sẽ ý nghĩa, hạnh phúc hơn”.

Others