|
Việc thành lập đội nữ giúp nâng cao năng lực và vị thế phụ nữ trong hoạt động rà phá bom mìn nhân đạo. Ảnh: Hoàng Táo |
|
Công việc buộc các nữ thành viên đối mặt với thời tiết khắc nghiệt, thất thường. Ảnh: Hoàng Táo. |
3h30 sáng hàng ngày, chị Trương Thị Thu Vân (25 tuổi, trú xã Trung Hải, Gio Linh) thức dậy chuẩn bị một ngày làm việc mới. Một tiếng sau, đồ ăn trong một ngày cho cô con gái hai tuổi đã sẵn sàng, chị gửi lại mẹ ruột của mình trước khi lên xe đi đến văn phòng dự án Nhóm cố vấn bom mìn MAG tại huyện Hải Lăng, cách nhà khoảng 45km. Công việc buộc chị xa nhà cả ngày nên phải chuẩn bị trước.
Trước 6h, chị Vân cũng như 12 cô gái khác của Đội rà phá bom chùm số 19 (MAT19) phải có mặt tại văn phòng, kiểm tra và bốc xếp trang thiết bị làm việc trong ngày lên xe ôtô. Sau đó, lái xe đưa toàn đội đến hiện trường làm việc là khu rừng tràm phòng hộ rộng hơn 570.000 m2 ở thôn Linh Chiểu, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong. Đây là nơi đội làm việc từ đầu tháng 7 và dự kiến kéo dài đến hết năm nay.
Nhiệm vụ của đội MAT19 là rà phá các vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh bằng máy móc chuyên dụng để trả lại đất an toàn cho người dân canh tác.
Là thành viên mới nhất của đội, nhưng Vân đã có kinh nghiệm hơn một năm trong công việc vô cùng nguy hiểm này. Lý giải việc xin vào làm việc ở dự án rà phá bom mìn nhân đạo, Vân cho biết, đây là công việc liên quan đến ngành học công nghệ kỹ thuật môi trường của chị. Ngoài ra, người mẹ một con này cũng "thấy yêu thích vì góp phần tạo ra môi trường sống tốt hơn cho bà con quê hương mình". "Ông nội và cha tôi từng đi bộ đội, bảo vệ đất nước, đến lượt tôi góp phần gìn giữ cuộc sống này", Vân nói.
Công việc của Vân và những cô gái khác trong đội đòi hỏi dậy thật sớm, làm việc trong thời tiết khắc nghiệt, đối mặt với nguy hiểm và rủi ro. Sau một năm làm việc, Vân từng tìm thấy nhiều "thần chết giấu mặt" như bom bi Blu26, lựu đạn, bom chùm M35... Quả đạn to nhất Vân tìm thấy là đạn pháo 105mm. Đây đều là những vật liệu nổ nguy hiểm, có thể gây sát thương cho người dân khi làm nông nghiệp.
Trong khi đó, chị Dương Thị Hồng (48 tuổi, trú TP Đông Hà) gắn bó với dự án MAG từ năm 2001. Trước khi chuyển về làm thành viên đội MAT19 với toàn nữ, chị Hồng là thành viên trong các đội khác. "Làm việc ở đội nữ thì vất vả hơn, chị em phải đảm nhiệm tất cả các nhiệm vụ, từ vác cọc, dây bay, xô thước... cho đến rà phá, huỷ nổ", chị Hồng cho biết.
Đội trưởng Lê Thị Bích Ngọc (41 tuổi) cho biết, MAT19 được thành lập từ ngày 1/10/2018 với 14 thành viên thì chỉ duy nhất một nam giới là lái xe. Người có kinh nghiệm rà phá bom mìn lâu nhất của đội là 19 năm, người mới nhất có một năm.
Bắt đầu ngày làm việc, nhân viên kỹ thuật đánh dấu các ô làm việc với kích thước 50x50 m, rồi chia thành các luống rộng 1,5 m bằng dây để rà tìm. Sử dụng thiết bị chuyên dụng, hai nhân viên đi từ đầu đến cuối mỗi luống để tìm kiếm rồi đánh dấu lại. Một nhân viên khác sử dụng thiết bị cầm tay để xác định chính xác hơn vị trí, cẩn thận đào tìm và báo đội trưởng, đội phó kiểm tra, phân loại nếu tìm thấy vật liệu nổ.
"Với các vật liệu nhạy nổ như bom bi, lựu đạn 40mm, đạn chùm... phải huỷ nổ tại chỗ. Với đạn mất kíp, bom lớn, đạn chưa sử dụng đưa về bãi nổ tập trung", chị Ngọc nói. Việc huỷ nổ tại chỗ do đội trưởng và đội phó đảm nhận. Các vật liệu nổ sau khi phát hiện được đánh dấu, chất bao cát xung quanh chờ đến cuối giờ làm việc mới tiến hành huỷ nổ.
Trước khi thành lập đội MAT19, dự án MAG có rất nhiều nhân viên nữ làm việc ở các đội MAT khác. Việc thành lập đội nữ nhằm giúp nâng cao năng lực và vị thế phụ nữ trong hoạt động nhân đạo bom mìn, có thể đảm nhiệm tất cả vị trí.
Bà Trần Thị Thảo, cán bộ Tập huấn, giám sát đánh giá quản lý chất lượng dự án MAG đánh giá, sau thời gian, năng suất, hiệu quả làm việc của đội nữ cũng như nam. Bà Thảo nói: "Ai cũng nghĩ nữ không làm được các công việc rà phá bom mìn, thực tế chứng minh ai cũng làm được thậm chí nữ cẩn thận, nhẹ nhàng hơn nam".
Sau hơn một năm thành lập, đội MAT19 đã làm sạch hơn 640 nghìn m2 đất, phát hiện 316 vật liệu nổ các loại.
Tổ chức nhóm Cố vấn bom mìn (Mine Advisory Group - MAG) là tổ chức nhân đạo phi chính phủ có trụ sở tại Vương quốc Anh, đến Việt Nam năm 1999 nhằm giúp đỡ các địa phương khắc phục ô nhiễm bom mìn, vật liệu nổ.
MAG triển khai đầu tiên tại Quảng Trị (địa phương bị ô nhiễm do bom mìn nặng nề nhất Việt Nam) thông qua các chương trình như điều tra, tư vấn, huấn luyện và thực hành dò tìm, xử lý, khắc phục hậu quả bom mìn.
Đến năm 2002, MAG mở rộng phạm vi hỗ trợ sang tỉnh Quảng Bình và tới năm 2012 là tỉnh Quảng Nam.