Năm 2018 VNMAC và các đơn vị công binh khắc phục khó khăn, hoàn thành khảo sát kỹ thuật hàng nghìn héc-ta đất

Thứ bảy, 06/06/2020
 
Năm 2018 VNMAC và các đơn vị công binh khắc phục khó khăn, hoàn thành khảo sát kỹ thuật hàng nghìn héc-ta đất

Tính riêng trong quý 4-2018, các lực lượng đã tiến hành khảo sát 4.794 ha; trong đó, tại tỉnh Quảng Bình 1.360 ha, xác định diện tích ô nhiễm là 1.245 ha, thu gom và xử lý 1.129 vật nổ các loại; tại tỉnh Bình Định là 3.435 ha, xác định diện tích ô nhiễm là 1.404 ha, thu gom và xử lý được 639 vật nổ các loại...

Việt Nam hiện còn trên 6,1 triệu héc-ta đất (chiếm khoảng 18,71% diện tích lãnh thổ) bị ô nhiễm bom mìn tồn sót sau chiến tranh. Việc làm sạch bom mìn đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn, thời gian dài và rất cần sự hỗ trợ, giúp đỡ của các quốc gia, các tổ chức quốc tế. Dự án Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đã và đang được triển khai là một trong số đó, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực.

Thực hiện chủ trương của chính phủ hai nước Việt Nam - Hàn Quốc về chung tay khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam, ngày 08-3-2017, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định 303/QĐ-TTg phê duyệt Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh” (Dự án KOICA). Đây là dự án đầu tiên của Chính phủ Hàn Quốc tài trợ bằng nguồn vốn ODA (viện trợ không hoàn lại) cho Việt Nam, nhằm giúp tỉnh Quảng Bình và Bình Định khắc phục hậu quả bom mìn.

Để triển khai thực hiện, ngày 03-4-2017, Bộ Quốc phòng đã ra Quyết định 1027/QĐ-BQP giao nhiệm vụ cho Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam (VNMAC) làm chủ Dự án. Theo nội dung ký kết, VNMAC sẽ phối hợp với Ủy ban nhân dân 02 tỉnh Bình Định và Quảng Bình cùng các đơn vị Công binh khảo sát kỹ thuật khoảng 20.000 ha đất, tổ chức rà phá 8.000 ha đất khu vực ô nhiễm bom mìn, phục vụ an sinh và phát triển kinh tế - xã hội; cung cấp các dịch vụ hỗ trợ về y tế, phục hồi chức năng cho 200 nạn nhân, đào tạo nghề phát triển sinh kế cho 500 nạn nhân, hỗ trợ xây Nhà Tình nghĩa cho 50 gia đình nạn nhân tai nạn bom mìn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và nâng cao năng lực để hoàn thiện các chính sách điều phối, các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bom mìn sau chiến tranh. Đồng thời, phối hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức phòng tránh tai nạn do bom mìn cho nhân dân. Ngoài ra, Dự án còn giúp hỗ trợ việc thu thập thông tin về bom mìn và các thông tin liên quan, làm cơ sở cho hoạch định chính sách, nâng cao năng lực quản lý xử lý hậu quả bom mìn.

Tháng 9 năm 2018, Dự án bắt đầu được khởi động, sau gần 01 năm triển khai, mặc dù địa bàn thi công rộng, lực lượng tham gia thường xuyên biến động, nhưng VNMAC và các đơn vị công binh đã chủ động khắc phục khó khăn, hoàn thành việc khảo sát kỹ thuật hàng nghìn héc-ta đất, xác định chính xác các khu vực ô nhiễm để tổ chức rà phá, làm sạch và thu gom, xử lý được hàng chục nghìn vật nổ các loại. Chỉ tính riêng trong quý 4-2018, các lực lượng đã tiến hành khảo sát 4.794 ha; trong đó, tại tỉnh Quảng Bình 1.360 ha, xác định diện tích ô nhiễm là 1.245 ha, thu gom và xử lý 1.129 vật nổ các loại; tại tỉnh Bình Định là 3.435 ha, xác định diện tích ô nhiễm là 1.404 ha, thu gom và xử lý được 639 vật nổ các loại. Hợp phần Tuyên truyền, giáo dục cũng đã triển khai chương trình giáo dục nâng cao năng lực phòng tránh tai nạn bom mìn cho 71 cán bộ cấp tỉnh, huyện và trường học; hoàn thành khảo sát về nhận thức, thái độ, hành vi tại 11 xã, 08 trường học và cung cấp kiến thức cho 4.500 người dân địa phương, trong đó có 1.000 phụ nữ, 903 nam giới, 1.233 trẻ em gái và 1.364 trẻ em trai lứa tuổi học đường, làm căn cứ xây dựng các phương pháp tiếp cận hướng tới mục tiêu giáo dục phòng tránh tai nạn bom mìn, v.v...

Others