Đại diện UNDP, KOICA và VNMAC trải nghiệm quy trình rà phá bom mìn thực tế tại Quảng Bình

Thứ tư, 27/05/2020

Sáng 26/5/2020, ông Cho Han-Deog – Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam, bà Caitlin Wiesen – Đại diện trường trú UNDP tại Việt Nam và ông Giang Công Báu – Phó tổng Giám đốc VNMAC đã thăm địa bàn rà phá bom mìn tại địa phận xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình.

 

 

Đại diện UNDP, KOICA và VNMAC được các chiến sỹ đội rà phá bom mìn tại thực địa giải thích rất chi tiết về quy trình rà phá bom mìn đang được triển khai. Đoàn cấp cao cũng tìm hiểu các loại thiết bị được sử dụng trong quá trình rà phá bom mìn như các loại cờ hiệu đánh dấu vị trí an toàn hoặc nguy hiểm, máy dò tín hiệu bom mìn, vật liệu nổ…

 

Đoàn cấp cao được trực tiếp trải nghiệm quy trình rà phá bom mìn tại thực địa ở Quảng Bình. 

Ông Cho Han-Deog - Giám đốc Quốc gia KOICA Việt Nam đánh giá rất cao ý nghĩa đặc biệt của dự án KV-MAP nói chung và hợp phần khảo sát rà phá nói riêng đã giúp làm sạch một phần diện tích đất đai bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ sau chiến tranh, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội và đem lại môi trường sinh sống an toàn hơn cho cộng đồng người dân địa phương.

 

Bên cạnh đó, trong quá trình thăm quan, ông Cho Han-Deog và bà Caitlin Wiesen cũng đích thân trải nghiệm cách sử dụng máy dò vật liệu nổ tại địa điểm thử nghiệm mô phỏng.

 

Ông Cho Han-Deog (áo xanh) rất ấn tượng với hiệu quả của công tác rà phá bom mìn tại Quảng Bình.  

Ông Cho Han-Deog cũng đã đặt nhiều câu hỏi về cách tiêu huỷ các loại vật liệu nổ tìm được. 


“Tôi thấy quy trình xử lý, tiêu huỷ vật liệu nổ được thực hiện trong dự án tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc an toàn, đặc biệt là các cán bộ, chiến sỹ trực tiếp tham gia rà phá bom mìn tại hiện trường”, ông Cho Han-Deog nhấn mạnh.

 

Chiến sỹ trình diễn quy trình kiểm tra tín hiệu máy dò mìn tại vị trí thử máy. 

 

Chia sẻ về hiệu quả của dự án KV-MAP, anh Nguyễn Đình Lâm, một người dân thôn Đông Sơn, xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, cho biết: “Khu vực này trước đây có rất nhiều bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh từng được người dân phát hiện. Trong xã có 6-7 trường hợp là nạn nhân sau những vụ tai nạn do bom mìn. Nhờ có dự án KV-MAP, diện tích đất ô nhiễm bom mìn nay đã được làm sạch. Nhờ vậy, người dân địa phương rất phấn khởi và vui mừng khi có thể yên tâm, an toàn sinh sống trên mảnh đất của mình”.

 

Theo số liệu thống kê từ VNMAC, hiện có hơn 44.000 vật liệu nổ, bao gồm cả các mảnh có kích thước khác nhau được tìm thấy và loại bỏ khỏi khu vực dự án. Nhờ vậy cuộc sống của người dân đã có những cải thiện rõ rệt.

Others