Trao đổi với các phóng viên về kết quả chương trình khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Việt Nam, Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam cho biết, để tạo cơ sở pháp lý về tổ chức, quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh, ngày 21/4/2010, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Chương trình 504); đồng thời ban hành Quyết định về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về Chương trình Hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 504, nay là Ban Chỉ đạo 701) ngày 22/12/2010, với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước cũng như quốc tế, góp phần giảm thiểu và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom mìn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom mìn hòa nhập đời sống.
Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC) được thành lập ngày 4/3/2014, có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất chính sách, xác định mục tiêu, xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn; là đầu mối chính thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế, vận động tài trợ cấp quốc gia; nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh; quản lý thông tin khắc phục hậu quả bom mìn; điều phối thực hiện các dự án, nhiệm vụ rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân…
Chương trình 504 và việc hình thành, hoạt động của VNMAC đã giúp công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành nhiệm vụ khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh dần đi vào nền nếp, đã tạo được sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước, các địa phương, các đơn vị trực tiếp thực hiện và tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân.
Theo Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc, thời gian qua, việc triển khai đồng bộ các hoạt động đã nhận được sự chung tay của toàn xã hội. Hằng năm tổ chức chuỗi hoạt động hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bom mìn 4/4 tại Hà Nội, Huế, Bình Định, Quảng Nam, Quảng Bình, Quảng Trị, Cần Thơ, Kon Tum… Các hoạt động tuyên truyền đã thu hút sự tham gia của đông đảo cán bộ, sinh viên, học sinh và quần chúng nhân dân, có sức lan tỏa và hiệu quả cao; thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, động viên thân nhân gia đình nạn nhân bị tai nạn bom mìn.
Đại tá Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, năm 2018, cơ quan này đã công bố được bản đồ ô nhiễm bom mìn Việt Nam. Theo đó, 10 tỉnh thành miền Trung là địa bàn có mức độ ô nhiễm bom mìn nặng nhất. Một số xã ở Quảng Trị hay Quảng Binh diện tích đất canh tác bị nhiễm bom mìn có nơi lên tới trên 80%.
Việt Nam tập trung ưu tiên, điều phối, thực hiện các dự án khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn, trong đó có dự án khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh tại Quảng Bình và Bình Định bằng nguồn tài trợ của Chính phủ Hàn Quốc thông qua Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) với tổng kinh phí 20 triệu USD và chương trình khoa học công nghệ “Xây dựng hệ thống thông tin quản lý ô nhiễm bom mìn và phát triển hệ thống trang thiết bị, phương tiện phục vụ dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam” cấp Bộ Quốc phòng.
Thời gian tới, việc củng cố, thực hiện hợp tác có hiệu quả, thiết thực đối với các đối tác, thúc đẩy các bên thực hiện Bản ghi nhớ đã ký kết, tập trung mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng sẽ được đặc biệt quan tâm.
Trung tâm Hành động bom mìn Quốc gia Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai công tác rà phá bom mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đạt khối lượng diện tích khoảng 50.000 ha/năm; giảm tỷ lệ bom mìn trên toàn quốc xuống dưới 15%, nhất là các tỉnh bị ô nhiễm nặng. "Tuy nhiên công tác rà phá bom mìn phức tạp, tốn kém nguồn lực nên trong năm 2018, bằng tất cả các nguồn lực trong nước và quốc tế, mới chỉ có hơn 30.000 ha đất đai được rà phá", đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc cho biết.
Ngoài ra, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng dự án, trình thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư dự án khảo sát kỹ thuật và rà phá bom mìn khắc phục hậu quả chiến tranh tại 5 tỉnh Hà Giang, Lào Cai, Cao Bằng, Quảng Nam, Quảng Trị bằng nguồn vốn ODA tài trợ của các nước, tổ chức trong nước và quốc tế.